Vụ công an đánh 2 thiếu niên ở Sóc Trăng: Những người bị đánh có quyền tố cáo

Võ Nam 29/09/2022
Bước đầu tiếp nhận vụ việc, Công an tỉnh Sóc Trăng đã tạm đình chỉ 4 cán bộ chiến sĩ liên quan đến vụ đánh 2 thiếu niên ở xã Vĩnh Hải, tỉnh Sóc Trăng.

Những ngày qua trên mạng xã hội lan truyền clip 2 thiếu niên bị cảnh sát đánh tới tấp. Theo xác minh bước đầu, sự việc xảy ra vào lúc 15h ngày 25/9, khi Tổ tuần tra kiểm soát Đội cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an thị xã Vĩnh Châu đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp lễ Sene Đolta trên quốc lộ Nam Sông Hậu (đoạn qua phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng).

Hình ảnh cắt từ clip

Thông tin phía công an cho biết, Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT - Công an thị xã Vĩnh Châu phát hiện 2 thiếu niên đi xe mô tô trên 100 phân khối, nên ra hiệu dừng phương tiện để kiểm tra. Tuy nhiên, thiếu niên cầm lái không chấp hành, có hành vi lạng lách, đánh võng, ép xe của CSGT. Tiếp đó, nam sinh cầm lái đã tăng tốc bỏ chạy trên đường Nam Sông Hậu, từ phường Vĩnh Phước đến xã Vĩnh Hải thì dừng lại trước một nhà kho.

Khi dừng được phương tiện, hai cán bộ công an truy đuổi đã có hành vi bạo lực, đánh đập 2 thiếu niên.

Đại tá Lâm Thành Sol, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã nắm được thông tin và tạm đình chỉ 4 người trong Tổ tuần tra kiểm soát Đội CSGT Công an thị xã Vĩnh Châu, liên quan đến vụ việc. Quan điểm của Công an tỉnh Sóc Trăng là sẽ xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Ai sai mức độ nào sẽ bị kỷ luật thích đáng đúng mức độ đó.

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, (Giám đốc Công ty Luật TNHH Trường Lộc, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là hành vi đánh người, vi phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân theo Hiến pháp 2013.

Cụ thể tại Điều 20.1 của Hiến pháp quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."

"Những người bị đánh có quyền tố cáo ra cơ quan công an và yêu cầu giám định thương tật. Vì hành vi đánh người đã xâm phạm đến thân thể của họ." - Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Phân tích các trường hợp người thi hành công vụ được phép trấn áp, luật sư Nguyễn Anh Tuấn thông tin: "Trong các trường hợp tuần tra kiểm soát thì người thi hành công vụ được trấn áp nếu đối tượng chống lại, hoặc tấn công người thi hành công vụ. Còn trong trường hợp này, chúng ta thấy hai thiếu niên không có biểu hiện chống lại. Trường hợp này pháp luật quy định được phép dẫn giải về trụ sở cơ quan công an, chứ không được đánh".

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, nếu cơ quan điều tra xác định có hành vi phạm tội thì có thể khởi tố theo quy định tại 137 Bộ luật Hình sự về "Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ"./.
Võ Nam