Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h hôm nay, mỗi lít xăng RON 95-III giảm về 24.230 đồng và E5 RON 92 là 23.350 đồng. Như vậy, giá xăng trong nước có kỳ giảm giá lần thứ sáu từ đầu tháng 7.
Trong khi đó, dầu diesel tăng 1.430 đồng một lít, lên mức 25.180 đồng. Mỗi lít dầu hoả cũng đắt thêm 1.390 đồng, tăng lên 25.440 đồng. Riêng dầu mazut sau nhiều kỳ liên tục giữ ổn định, thì tại kỳ điều hành hôm nay giảm 470 đồng, về 16.070 đồng một kg.
Cây xăng trên Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức (TP HCM) điều chỉnh giá chiều 5/9. Ảnh: Quỳnh Trần |
Với ngưỡng giá hiện tại thì lần đầu, giá bán lẻ dầu (diesel, dầu hoả) đã vượt giá xăng các loại.
So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.640 đồng; E5 RON 92 hạ 7.950 đồng; dầu diesel giảm hơn 4.770 đồng.
Ở kỳ điều hành hôm nay, cơ quan quản lý tiếp tục không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá với xăng, còn dầu diesel chi 300 đồng mỗi lít từ Quỹ bình ổn, dầu hoả là 100 đồng.
Mức trích lập vào Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu mazut giữ nguyên, giảm trích với dầu hoả và diesel về 0 đồng.
Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hoả thành phẩm thế giới vừa qua tăng cao; còn xăng và dầu mazut giảm nhẹ. Bình quân mỗi thùng RON 92 (loại xăng dùng để pha chế E5 RON 92) giảm hơn 2%, về 105,4 USD; RON 95 cũng hạ còn 108,86 USD. Trong khi đó, dầu diesel tăng 9,3%, lên mức 143,02 USD; dầu hoả cũng tăng thêm hơn 9%, lên 140,78 USD.
Thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa. Đại diện các cửa hàng lý giải là doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít; chiết khấu 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu khiến họ thua lỗ.
Trước tình trạng nhiều cây xăng tại các địa phương đóng cửa, hết hàng, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại các địa phương.
Về phía đơn vị đầu mối, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh nghiệp chiếm khoảng 49% thị phần bán lẻ trong nước, cho biết sản lượng tiêu thụ tăng 60% so với bình thường, nhất là kênh bán lẻ trực tiếp. Điều này gây áp lực lớn về tạo nguồn do hàng tồn kho sụt giảm rất nhanh, trong khi mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức cho thiếu hụt.
Link bài gốc
https://vnexpress.net/gia-xang-giam-nhe-dau-tang-manh-4507453.html