Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ ngành về hai phương án nghỉ Tết Âm lịch 2023. Phương án một là nghỉ 7 ngày từ 29 tháng chạp tới mùng 6 tháng giêng (20-26/1/2023). Phương án hai là nghỉ 9 ngày từ 30 tháng chạp tới mùng 8 tháng giêng (21-29/1/2023).
Cơ quan này đề xuất lựa chọn nghỉ 7 ngày gồm hai ngày trước và ba ngày sau Tết, cộng thêm ngày nghỉ bù hàng tuần để đảm bảo "tổng số ngày nghỉ liên tục không quá dài". Nếu theo lịch này, công chức, người lao động cả nước sẽ đi làm lại vào ngày mùng 6 Tết, sau đó nghỉ tiếp thứ bảy, chủ nhật.
Thực tế, dù lựa chọn phương án nào thì số ngày nghỉ chính thức vẫn là 5 theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (Điều 112), số ngày còn lại là nghỉ hàng tuần hoặc nghỉ bù.
Phương án nghỉ Tết 7 ngày, từ 29 tháng Chạp tới hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa: Tiến Thành |
PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội, đánh giá hai phương án đều có mặt lợi riêng, song thời gian nghỉ trước Tết quá ngắn. Nếu chọn nghỉ 7 ngày, ông đề nghị cho nghỉ từ 28 tháng chạp và đi làm trở lại vào ngày mùng 5 tháng giêng. Phương án này giảm áp lực giao thông vào ngày cuối năm, người dân lại được tận hưởng không khí mua sắm Tết và có thời gian sắp xếp công việc để về nhà trước Tết. Hết ba ngày đầu năm, người dân rục rịch quay lại thành phố, chuẩn bị làm việc.
Theo ông Lộc, đặc điểm lao động Việt Nam phần lớn là di cư từ nông thôn lên thành phố, dù thanh niên hay đã lập gia đình thì trong tâm thức vẫn tìm về quê vào dịp Tết. Nhu cầu gắn kết của họ với gia đình ngày càng lớn, nhất là sau những biến cố như đại dịch. Hai đợt lễ gần nhất dịp tháng tư chỉ kéo dài 3-4 ngày nhưng người lao động ồ ạt về quê là minh chứng rõ nhất.
Bên cạnh đó, dòng di cư khiến làng quê không còn nhiều người trẻ nên cuối năm là dịp trở về để quây quần chuẩn bị cái Tết gia đình tươm tất và cúng bái tổ tiên. "Người Việt luôn coi trọng thời gian trước giao thừa hơn là sau Tết. Càng sát ngày 30 tháng chạp, lòng người sẽ càng xốn xang, mong ngóng khi chưa thể về nhà", ông nói.
Vì vậy, nếu cho nghỉ muộn quá, công nhân có thể tự xin nghỉ trước một vài ngày, doanh nghiệp cũng khó cản do tránh tranh chấp và tránh tình trạng lao động không trở lại nhà máy sau Tết.
Phương án nghỉ Tết 9 ngày, kéo dài từ 30 tháng Chạp tới hết mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão. Đồ họa: Tiến Thành |
Đại diện Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đề nghị nghỉ thêm một ngày trước Tết (khoảng 28 tháng chạp) để việc đi lại về quê của người dân giãn ra. Hàng không, bến xe đều được giảm tải và nhà xe không bị áp lực tăng chuyến.
Tuy nhiên, ông ủng hộ phương án nghỉ 9 ngày để người dân xếp lịch về quê, đi chơi, du lịch, góp phần kích cầu du lịch và phát triển kinh tế. "Nếu nghỉ 7 ngày, đi làm một ngày rồi lại nghỉ hai ngày cuối tuần sẽ khiến năng suất công việc của ngày đi làm không cao do mọi người còn tâm lý nghỉ Tết", vị đại diện nói.
Chung ý kiến, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị nhà nước cho người dân nghỉ liền mạch 9 ngày và nghỉ trước Tết sớm hơn để có thời gian mua sắm, người xa quê kịp di chuyển về nhà, và người muốn đi chơi xa, du lịch nước ngoài cũng có thời gian sắp xếp.
"Chúng ta không nên hạn chế đi lại của người dân trong dịp lễ Tết. Ý kiến cho rằng nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông nếu nghỉ dài là không đúng mà tai nạn gia tăng do các nguyên nhân khác", ông Quyền nói.
Người dân Quảng Bá (Hà Nội) thu hoạch đào bán dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Giang Huy |
Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng nói lịch nghỉ Tết áp dụng cho công chức, viên chức nhưng thực tế gần như cả nước nghỉ theo lịch này, gồm cả lao động ở doanh nghiệp ngoài nhà nước. Do đó, ông đề nghị kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày để công nhân có thêm thời gian bên gia đình, chơi với con cái. Thời gian quay lại thành phố làm việc cũng giãn ra, đỡ vất vả tàu xe sau một kỳ nghỉ.
Tổng liên đoàn nhiều năm ghi nhận tình trạng một bộ phận công nhân trở lại thành phố sau Tết muộn hơn dù doanh nghiệp huy động đi làm vào ngày mùng 5 hoặc 6. Công đoàn cơ sở lúc đó phải liên tục kêu gọi lao động trở lại đi làm để lấp đầy công xưởng, nhất là công nhân vùng cao phía Bắc. "Không thể nói nghỉ nhiều là giảm năng suất lao động, bởi số ngày nghỉ của Việt Nam còn ít hơn các nước. Ngược lại, nghỉ dài thì kích cầu du lịch, mua sắm", ông Quảng nói.
Trong ba ngày, hơn 10.000 độc giả tham gia khảo sát trên VnExpress. Kết quả, 17% lựa chọn phương án 7 ngày; 39% chọn nghỉ 9 ngày và 44% chọn "thêm phương án nghỉ dài ngày hơn".
Đại diện Cục An toàn lao động cho hay các phương án nghỉ Tết đã được tính toán kỹ dựa trên quy định cứng nghỉ Tết Âm lịch 5 ngày. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tập hợp các góp ý, lựa chọn phương án có lợi nhất cho người dân cả nước trước khi trình Thủ tướng quyết định.
Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày sau đây: Tết Dương lịch: một ngày (1/1 hằng năm); Tết Âm lịch 5 ngày; một ngày dịp 30/4 và một ngày Quốc tế lao động 1/5; Quốc khánh 2 ngày (2/9 dương lịch và một ngày liền kề trước hoặc sau); Giỗ tổ Hùng Vương một ngày (10/3 âm lịch).
Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng quyết định cụ thể số ngày nghỉ Tết Âm lịch và dịp Quốc khánh.
Người lao động nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào dịp lễ, Tết sẽ được hưởng lương ít nhất 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc trong ngày. Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ lễ hàng năm sẽ được nghỉ thêm một ngày Tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.
Link bài gốc
https://vnexpress.net/kien-nghi-nghi-tet-nguyen-dan-2023-som-4505227.html