Sáng 7/7, khoảng một triệu thí sinh cả nước làm bài Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng là môn tự luận duy nhất.
Thí sinh làm bài Ngữ văn trong 120 phút, bắt đầu từ 7h35. Buổi chiều, các em làm bài thi môn Toán trong 90 phút, bắt đầu từ 14h30. Sáng 8/7, thí sinh sẽ thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) và kết thúc kỳ thi với môn Ngoại ngữ vào chiều 8/7.
Trừ Ngữ văn thi tự luận, đề các môn thi còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm khách quan. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định đề thi chủ yếu kiểm tra kiến thức mang tính cơ bản nhưng vẫn có độ phân hóa để phân loại thí sinh, phù hợp với yêu cầu của nhiều trường đại học dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển.
Lịch thi cụ thể như sau:
Một triệu thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Dự thi tại điểm thi THCS Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Hoàng Việt, quân nhân 20 tuổi, xác định có mặt từ 6h "do đã quen giờ giấc quân đội". Đơn vị của Việt cách địa điểm thi khoảng 2 km nên thời gian di chuyển không đáng kể. Em không mang theo nhiều đồ đạc. Ngoài chiếc mũ cối, Việt chỉ cầm giấy tờ dự thi kèm các dụng cụ như bút, thước... đặt trong kẹp trong suốt.
Trong kỳ thi này, Việt là thí sinh tự do, chỉ lấy điểm để xét tuyển Học viện Biên phòng. Năm ngoái, điểm chuẩn với thí sinh nam ở miền Bắc, dự thi tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) vào Học viện Biên phòng là 28,5, trong đó điểm Văn không dưới 7,5.
Được cộng 2 điểm ưu tiên đối tượng, Việt nhẩm tính mình vẫn cần đạt khoảng 9 điểm mỗi môn để đạt tổng 26-27, tương đương mức trúng tuyển năm ngoái. "Điểm chuẩn cao quá nên em rất lo lắng", Việt nói. Những ngày trong đơn vị, em chỉ có thể tranh thủ ôn tập. Khi làm đề, Việt thường được 8,5-9,75 hai môn Sử và Địa, nhưng Văn khoảng 7-7,5. Xác định Văn là điểm yếu và cần tập trung cải thiện, Việt đầu tư nhiều hơn cho môn này.
Em dự đoán đề thi hỏi về "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân. Việt giải thích đây là tác phẩm nhiều năm chưa xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp. Năm ngoái, nhiều người dự đoán tác phẩm này sẽ vào đề thi nhưng không đúng, "nên khả năng cao đề năm nay sẽ có".
Thí sinh Hà Nội làm thủ tục dự thi chiều 6/7. Ảnh: Giang Huy |
Năm nay, Hào đặt nguyện vọng một vào ngành Kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP HCM, đồng thời dự phòng ngành này ở Đại học Văn Lang. "Khả năng đậu đại học của em khá cao nên em không áp lực với kỳ thi tốt nghiệp này. Em học tốt Toán và Tiếng Anh, các môn còn lại ở mức khá", Hào cho biết.
Tại Cần Thơ, hơn 12.200 thí sinh sẽ dự thi môn Ngữ văn sáng nay. Thi tại trường THPT Châu Văn Liêm, ngôi trường gắn bó suốt ba năm THPT, Huỳnh Thị Diễm Quỳnh cảm thấy an tâm hơn. Nữ sinh đặt mục tiêu giành điểm xét tuyển đại học từ 27 trở lên.
"Để không bị chán nản khi ôn tập, em ôn xen kẽ các môn theo từng ngày. Ngoài ra, trước thi một tuần, em không giải đề mà ôn lại các kiến thức cũ", Quỳnh nói. Với việc vừa học online, vừa được thầy cô rèn kiến thức thêm tại nhà, Quỳnh đã sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng này.
Thí sinh tại điểm thi trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP HCM). Ảnh: Quỳnh Trần |
Năm 2022, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Gần 860.000 em thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/7, có gần 990.000 thí sinh đi làm thủ tục dự thi tại hơn 2.200 điểm thi, đạt 98,75% số đã đăng ký. Những em chưa làm thủ tục hôm qua sẽ được được tạo điều kiện thực hiện bước này trong sáng nay, trước khi bắt đầu làm bài Ngữ văn.
Cả nước có 38 thí sinh thuộc diện F0 có mặt ở các điểm thi. Những em này được ngồi ở phòng riêng. Công tác coi thi được triển khai theo đúng quy chế cùng các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho các bộ coi thi và thí sinh.