Vì sao giá đất nền Hưng Yên có xu hướng tăng nhanh?

MHY 30/05/2022
Sự đổ bộ của hàng loạt “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản với các “siêu” dự án được triển khai xây dựng đang góp phần thúc đẩy tăng giá đất nền tại Hưng Yên.

Hàng loạt dự án lớn được đầu tư

Sở hữu nhiều lợi thế về tự nhiên, đặc biệt là yếu tố vị trí khi chỉ cách Hà nội 1 giờ đi đường, Hưng Yên đang trở thành tâm điểm của các “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản.

Theo khảo sát, hiện Hưng Yên có khoảng 70 dự án bất động sản đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 50 dự án khu đô thị và dự án phát triển nhà ở như: Khu đô thị V-Green City Phố Nối, Khu đô thị Hòa Phát Phố Nối, Khu đô thị New City… Nổi bật nhất phải nhắc đến sự xuất hiện của Khu đô thị Ecopark và Khu đô thị The Empire - Vinhomes Ocean Park 2.

Với quy mô 500ha, Khu đô thị Ecopark được biết đến là khu đô thị xanh lớn nhất miền Bắc, là dự án tập trung phần lớn nguồn cung nhà ở cao cấp của tỉnh Hưng Yên. Còn The Empire - Vinhomes Ocean Park 2 vừa mới được chủ đầu tư Vinhomes ra mắt cuối tháng 4 năm nay cũng được xem là một "siêu" dự án đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường bất động sản.

Chưa kể, trong thời gian tới, Hưng Yên sẽ đón nhận thêm nguồn cung mới đến từ 2 dự án đáng chú ý khác là Vinhomes Đại An - quy mô gần 300ha, nằm trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang cùng dự án Khu đô thị Xuân Cầu có tổng diện tích gần 200ha ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang. Sản phẩm của các dự án lớn này sẽ là sự bổ sung đáng kể cho nguồn cung bất động sản Hưng Yên.

"Siêu" dự án Ecopark. (Ảnh IT)

Dưới tác động của các thông tin quy hoạch, sự đổ bộ của hoàng loạt dự án lớn, thị trường bất động sản Hưng Yên đang tạo nên sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư, mức độ quan tâm liên tục tăng trưởng.

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản Hưng Yên trong tháng 3/2022 ghi nhận xu hướng tăng cả về lượng tin đăng và mức độ quan tâm ở tất cả các loại hình nhà đất bán, cho thuê so với tháng 2/2022. Trong đó, nổi bật là các loại hình chung cư (lượng tin đăng tăng 70%, mức độ quan tâm tăng 76%), biệt thự, liền kề (lượng tin đăng tăng 34%, mức độ quan tâm tăng 50%) và đất nền (lượng tin đăng tăng 57%, mức độ quan tâm tăng 41%). Các khu vực có lượng tin đăng và mức độ quan tâm cao nhất trong tháng 3 là Văn Giang, Mỹ Hào, Khoái Châu, Văn Lâm.

Đáng chú ý, tính cả quý I/2022, loại hình đất nền có mức độ quan tâm tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, nằm ngoài xu hướng giảm mức độ quan tâm đất nền tại các tỉnh, thành phía Bắc như Bắc Ninh (giảm 32%), Bắc Giang (giảm 22%), Vĩnh Phúc (giảm 18%). Điều này đang tạo cơ hội cho mặt bằng giá đất tại Hưng Yên ngày càng tăng cao.

Giá đất nền Hưng Yên có xu hướng tăng nhanh

Tương tự các thị trường nhà đất vùng ven Hà Nội, Hưng Yên đang thu hút dòng vốn đầu tư vào loại hình đất nền là chủ yếu, tập trung tại Văn Giang, Văn Lâm, "ăn theo" các dự án lớn của Vinhomes hay Ecopark. Vì vậy, từ cuối năm 2021, đất nền Hưng Yên đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn năm 2020 sau một thời gian chững giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, mỗi khi chủ đầu tư Vinhomes hay Ecopark triển khai thêm các phân khu mới, không chỉ giá các sản phẩm của khu đô thị này tăng lên mà còn kéo theo giá đất khu vực lân cận. Đơn cử như Văn Giang từng ghi nhận nhiều lần sốt đất.

Ngoài ra, thị xã Mỹ Hào với trọng tâm là khu vực Phố Nối cũng là một thị trường có giao dịch sôi động nhờ hưởng lợi từ làn sóng đầu tư của nhiều tập đoàn lớn như T&T Group, TNR, Hòa Phát,… Bên cạnh đó, những năm gần đây, Hưng Yên cũng ghi nhận một số thị trường mới, thu hút nhà đầu tư đến tìm kiếm đất nền, nhà đất là Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu.



Cùng với các dự án nhà ở, khả năng thu hút FDI chảy mạnh vào bất động sản công nghiệp, các dự án KCN mới được phê duyệt cũng là lợi thế tạo nên tiềm năng tăng giá cho đất nền Hưng Yên.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, đất gần KCN Phố Nối (Mỹ Hào) thời điểm cuối 2020 có giá 17-21 triệu đồng/m2 đã tăng lên 24-29 triệu đồng/m2. Những lô ở vị trí mặt đường lớn, có thể kinh doanh, giá rao bán lên tới 36-40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đất gần KCN ở Ân Thi, dọc trục đường Quốc lộ 38 tăng giá từ mức 13-18 triệu đồng/m2 lên 17-23 triệu đồng/m2. Với những lô góc 2 mặt thoáng, giá tăng từ 20-24 triệu đồng/m2 lên 27-31 triệu đồng/m2. Đất gần KCN ở Văn Giang, vị trí gần đường Tỉnh lộ 379, giá rao bán tăng từ 25-30 triệu đồng/m2 lên mức 31-36 triệu đồng/m2. Đất vị trí đẹp gần KCN ở xã Trưng Trắc (Văn Lâm) cũng tăng giá từ 20-25 triệu đồng/m2 lên mức 24-30 triệu đồng/m2. Đây là những khu vực còn quỹ đất dồi dào, giá dù tăng nhưng chưa quá cao, còn nhiều tiềm năng tăng giá theo hạ tầng, dự án lớn mà nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần xác định không phải cứ mua nhà gần đường, gần quy hoạch lớn là đảm bảo có lời mà khu vực đó phải hình thành khu đô thị, khu dân cư và tiện ích kèm theo thì mới có câu chuyện giá trị đất, giúp nâng giá bất động sản.

Thị trường đất nền Văn Giang, Hưng Yên được quan tâm lớn, giá bán có xu hướng tăng cao. (Ảnh minh hoạ)

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, Hưng Yên là thị trường giàu tiềm năng nhờ vị trí cửa ngõ Hà Nội, quỹ đất còn dồi dào, biên độ tăng giá tốt, hạ tầng ngày càng được nâng cấp đồng bộ. Trong khi quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, mặt bằng giá bất động sản bị đẩy lên cao thì Hưng Yên sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn ra vùng ven, nhất là khi tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, hạ tầng tốt.

“Sự xuất hiện của các đại dự án từ những chủ đầu tư uy tín cùng quy hoạch hạ tầng - giao thông, KCN được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản Hưng Yên, đa dạng hóa nguồn cung và tăng tính thanh khoản. Hưng Yên được nhận định là một thị trường bất động sản rất đáng cân nhắc, nhiều dư địa phát triển trong những năm tới”, ông Nguyễn Chí Thanh đánh giá.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, thị trường bất động sản Hưng Yên phát triển không đồng đều, giao dịch sôi động nhất vẫn là khu vực phụ cận Hà Nội như Văn Giang, Văn Lâm. Sốt giá đất chỉ diễn ra cục bộ tại một số địa phương hưởng lợi hạ tầng dự án hoặc khu công nghiệp.

Chính vì vậy, trước khi quyết định xuống tiền, nhà đầu tư cần cân nhắc bài toán đầu tư hợp lý, nhất là trong trường hợp có sử dụng đòn bẩy tài chính để tránh rủi ro khi tốc độ tăng giá bất động sản không theo kịp chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải gồng gánh cho suất đầu tư.

Nếu nhà đầu tư muốn "đón sóng" hạ tầng thì phải biết chắc chắn thông tin quy hoạch, hạ tầng là chuẩn xác, đồng thời xác định có thể phải đầu tư dài hạn, chịu rủi ro chôn vốn vì không phải dự án nào cũng triển khai đúng tiến độ. Luôn luôn tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng trước các quyết định đầu tư, không chạy theo tâm lý đám đông mà đổ xô đầu cơ, trữ đất sẽ giúp gia tăng tỷ lệ thành công của suất đầu tư, giảm thiểu rủi ro./.