Trí nhớ suy giảm vì Covid-19

Nhiều người bệnh sau khi khỏi Covid-19 bị suy giảm trí nhớ vài tuần hoặc vài tháng, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống thường ngày.

Theo nghiên cứu đa quốc gia đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet năm 2021, 72,8% trong tổng số 2.739 người được hỏi cho biết bị suy giảm trí nhớ, gồm cả giảm trí nhớ ngắn hạn (vài tuần) và giảm trí nhớ dài hạn (trên 6 tháng) sau khi khỏi Covid-19. Một khảo sát online vào năm 2022 tại Anh với 181 người cho thấy, khoảng 70% người trưởng thành từng nhiễm nCoV gặp vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung, trong đó, có 75% người than phiền không thể tập trung làm việc như trước đây.

Nghiên cứu của Đại học Cambridge trong số 366 người tham gia nghiên cứu có các triệu chứng thần kinh như sương mù não, mất phương hướng, đau đầu, hay quên. Tại Việt Nam, dù chưa có nhiều nghiên cứu về tình trạng suy giảm trí nhớ vì Covid-19 nhưng ghi nhận qua thăm khám của bác sĩ vẫn có nhiều bệnh nhân gặp tình trạng này.

Theo BS.CKII Thân Thị Minh Trung (Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM), nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ, rối loạn chú ý, lo âu, trầm cảm... sau khi mắc Covid-19 hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đưa ra một số giả thuyết về cơ chế gây tổn thương tế bào thần kinh và mạch máu khi nhiễm nCoV khiến nhiều F0 mắc di chứng thần kinh hậu Covid-19.

Bác sĩ Minh Trung giải thích thêm, khi nCoV xâm nhập vào vào hệ thần kinh trung ương thông qua khoang mũi và khứu giác hoặc hàng rào máu não sẽ hoạt hóa quá mức microglia (một đại thực bào ở não) gây ra phản ứng viêm thần kinh. nCoV cũng có thể kích hoạt tế bào nội mô, làm tổn thương và thay đổi chức năng mạch máu não, dẫn đến sự hình thành của các cục máu đông li ti. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyên chở oxy lên não, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não.

"nCoV gắn kết vào tế bào nội mạc mạch máu não dẫn đến hiện tượng co mạch, giữ nước, tăng huyết áp và rủi ro đột quỵ xuất huyết. Trường hợp bệnh nhân bị suy hô hấp cấp nặng, thở khó khăn sẽ dễ bị thiếu oxy lên não. Lượng oxy cung cấp cho não không đảm bảo trong một thời gian nhất định cũng có thể gây tổn thương cho não. Sự lo lắng, sợ hãi và tâm trạng bất an khi đối mặt với dịch bệnh còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự tập trung, khi không thể tập trung thì rất khó để nhớ mọi thứ", bác sĩ Trung nói thêm.

Tác động của nCoV đến thần kinh. Ảnh: Springer

Cách cải thiện trí nhớ hậu Covid-19

Theo bác sĩ Minh Trung, tổn thương ở não bộ do nCoV gây ra nếu không sớm khắc phục có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa thần kinh và mất trí nhớ trong tương lai. Vì vậy, F0 sau khi khỏi bệnh cần tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tế bào thần kinh và mạch máu não càng sớm càng tốt để nhanh chóng khắc phục những di chứng thần kinh hậu Covid-19, nhất là tình trạng suy giảm trí nhớ.

F0 khỏi bệnh nếu có tình trạng suy giảm trí nhớ nên cố gắng tìm cách cải thiện khả năng ghi nhớ, ví dụ ghi những điều cần làm ra giấy nhớ hoặc ghi chú vào điện thoại, nhờ người thân nhắc nhở những sự kiện quan trọng...

Ghi chú những điều quan trọng giúp ghi nhớ lâu hơn. Ảnh: Shutterstock

Duy trì hoạt động thể dục thể thao mỗi ngày cũng giúp làm tăng lưu lượng máu đến não bộ, góp phần nâng cao khả năng ghi nhớ. Thời gian luyện tập phải đảm bảo ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, aerobic... Người bệnh bị di chứng giảm trí nhớ nên ưu tiên các hoạt động kích thích sự nhạy bén của bộ não như giải đố ô chữ, sudoku, rubik, chơi nhạc cụ, học chơi cờ, về nhà bằng con đường mới...

Chế độ ăn uống lành mạnh cần thiết cho quá trình hồi phục "bộ nhớ" của não. Những chất dinh dưỡng tốt cho não bộ đến từ trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá, thịt gia cầm... Hạn chế tiêu thụ bia rượu xuống mức thấp nhất bởi chúng sẽ làm tăng mức độ lú lẫn và mất trí nhớ.

Bác sĩ Minh Trung cho biết thêm, gốc tự do là tác nhân nguy hiểm hàng đầu, khiến các tế bào thần kinh dễ bị hư tổn và nhanh thoái hóa. Nếu gốc tự do tại não không ngừng gia tăng tại não sẽ làm giảm liên kết giữa các tế bào thần kinh, từ đó, khiến chức năng não bị rối loạn, dẫn đến suy giảm trí nhớ. Do đó, người bệnh cũng có thể bổ sung thêm các dưỡng chất có khả năng chống gốc tự do như blueberry và ginkgo biloba. Các tinh chất này có thể hỗ trợ giảm gốc tự do ở não, tăng kết nối thần kinh và lưu thông máu lên não. Nhờ đó, nó góp phần bảo vệ và tái tạo tế bào não, nâng cao chức năng não bộ và duy trì trí nhớ bền lâu hơn.

Cùng với tập luyện và ăn uống khoa học, mỗi người cũng cần chú ý xây dựng thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc (7-9 tiếng mỗi ngày). Giấc ngủ ngon và sâu góp phần củng cố ký ức để chúng ta có thể dễ dàng nhớ nhớ lại những sự việc đã diễn ra.

Suy giảm trí nhớ là di chứng thần kinh hậu Covid-19 phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc phải. Do đó, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm để được kiểm tra mức độ, chẩn đoán nguyên nhân và có phương pháp phục hồi trí nhớ.
Hường Nguyễn