Để Mộc Thuỵ Lân trở thành thương hiệu mạnh

Các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Mộc Thuỵ Lân được pháp luật công nhận và bảo hộ, gìn giữ làng nghề truyền thống của địa phương.

Những ngày này, bà con làm nghề mộc ở thôn Thuỵ Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ, Hưng Yên) làm việc trong không khí phấn khởi. Ngõ trên, xóm dưới ai cũng rạng ngời trong tiếng cưa xẻ, đục chạm liên hồi. Bởi mới đây, Mộc Thụy Lân chính thức có nhãn hiệu của riêng mình và được Nhà nước bảo hộ.
Để giữ gìn và phát triển làng nghề, năm 2020 UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên giao cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ Âu Mỹ thực hiện dự án "tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Mộc Thuỵ Lân dùng cho các sản phẩm nghề mộc".

Sản phẩm mộc Thuỵ Lân được pháp luật công nhận và bảo hộ. Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN

Đến nay, về cơ bản mục tiêu của dự án đã được thực hiện và Mộc Thụy Lân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận số 410651. Từ đây, các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể Mộc Thuỵ Lân được pháp luật công nhận và bảo hộ, gìn giữ làng nghề truyền thống của địa phương.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên Trần Tùng Chuẩn khẳng định, việc nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân được bảo hộ sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đồng thời tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lấy danh nghĩa Mộc Thụy Lân để làm ảnh hưởng tới uy tín của làng nghề.
Ông Chu Thế Giang, Chủ tịch UBND xã Thanh Long cho biết, việc được cấp nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân sẽ là bước khởi đầu cho việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm nghề mộc có danh tiếng của Thụy Lân bay khắp thị trường trong và ngoài tỉnh, trở thành thương hiệu mạnh không chỉ về giá trị nhãn hiệu mà chính bởi chất lượng của sản phẩm. Đây cũng góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sản phẩm; thúc đẩy quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Là một trong những hộ đầu tiên được trao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Mộc Thụy Lân, anh Nguyễn Văn Tân, chủ cơ sở sản xuất gỗ Hoàng Gia khẳng định, đây là bước ngoặt lớn cho các hộ sản xuất kinh doanh trong thôn. Mộc Thụy Lân chính thức có nhãn hiệu của riêng mình và được bảo hộ sẽ là nguồn động viên lớn đối với những người thợ, nghệ nhân, thêm sức mạnh để sáng tạo, phát huy truyền thống, bảo tồn làng nghề.
Anh Nguyễn Văn Trường chủ cơ sở đồ gỗ Trường Năm cũng cho biết, người làm mộc ở Thuỵ Lân mới chỉ chú tâm đến việc làm sao cho sản phẩm tốt, chưa chú ý đến phát triển thương hiệu.

Do đó, khi có nhãn hiệu tập thể "Mộc Thuỵ Lân" sẽ giúp nâng cao uy tín và danh tiếng của sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị sản phẩm mộc của địa phương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Trường gắn bó với nghề mộc từ khi rời ghế nhà trường. Với tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, anh Trường luôn đau đáu giấc mơ làm giàu cho mình và cho bà con chòm xóm. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, anh Trường đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại, không ngừng học hỏi để sáng tạo mẫu mã mới, tinh xảo.
Cơ sở sản xuất gỗ Trường Năm của gia đình anh Trường hiện có 3 xưởng sản xuất, mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường trên 100 sản phẩm các loại. Hiện nay, cơ sở của gia đình đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 công nhân, lao động làm việc trực tiếp tại xưởng.

Doanh thu bình quân từ sản xuất, kinh doanh đạt trên 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được khoảng trên 1,5 tỷ đồng/năm. Anh Trường hy vọng, với việc Mộc Thuỵ Lân chính thức có nhãn hiệu, thu nhập của gia đình anh và các hộ sản xuất khác trong thời gian tới sẽ được nâng cao hơn.
Xã Thanh Long hiện có trên 230 hộ làm nghề mộc; trong đó thôn Thuỵ Lân có trên 200 hộ. Hộ cao nhất sử dụng gần 60 lao động trực tiếp và gián tiếp. Tổng số lao động nghề mộc trong xã khoảng gần 400-500 thợ là người địa phương và thợ ngoài. Ước tính bình quân thu nhập đầu người trong xã từ 45– 50 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân hàng tháng hiện nay của người dân khoảng từ 10-15 triệu đồng/người.
Sản phẩm mộc Thuỵ Lân chủ yếu là đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ gia dụng, các sản phẩm này chủ yếu phục vụ đời sống người dân trong nước và xuất khẩu. Năm 2008, làng nghề mộc Thuỵ Lân được tỉnh Hưng Yên công nhận là làng nghề mộc mỹ nghệ.

Từ đó đến nay, việc sản xuất kinh doanh đồ gỗ nội thất của làng nghề mộc Thuỵ Lân đã phát triển thêm nhiều bước mới. Đơn đặt hàng nhiều hơn, các hộ sản xuất lớn đã ký được hợp đồng dài hạn với đối tác để cung ứng lâu dài, bền vững.
Theo nhiều người dân ở thôn Thuỵ Lân, nghề mộc đến với bà con một cách tự nhiên, ban đầu chỉ là sản xuất các sản phẩm nhỏ lẻ phục vụ dân địa phương là chính. Có thời điểm, người dân không mặn mà với nghề, bỏ đi làm ăn xa hoặc chuyển sang nghề khác.
Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lớp trẻ kế cận đã có nhiều sáng tạo, nhiều gia đình đã đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, mẫu mã được cải tiến, sản phẩm đa dạng. Không những vậy, các hộ sản xuất còn thiết lập được các nhóm sản xuất chuyên môn như: chuyên bàn ghế, giường tủ, chạm trổ gia công thuê, khiến hoạt động của làng nghề ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Nhờ vậy, các sản phẩm mộc của làng nghề Thuỵ Lân hiện nay không chỉ bền, chắc mà còn ngày càng đẹp và tinh xảo. Bởi thế mà sản phẩm nội thất của bà con nơi đây luôn được khách hàng đánh giá cao và ưa chuộng. Sản phẩm sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ đến đấy, nhất là những tháng cuối năm, hầu hết các hộ làm nghề có tiếng trong làng đều làm không hết việc.
Dưới cái nắng đầu hè, bên ly trà xanh, chị Lê Thị Khuyên, một người dân ở thôn Thuỵ Lân chia sẻ: Nghề mộc gắn bó với bà con nơi đây từ lâu, trải qua lúc thăng, lúc trầm nhưng giờ đây ai cũng muốn gắn bó.

Với mức thu nhập từ nghề mộc hiện nay, nhiều người lao động được đảm bảo cuộc sống ổn định. Do đó, người dân nơi đây không còn ý định từ bỏ nghề truyền thống, ai cũng muốn làng nghề được phát triển giàu sang hơn nữa để gìn giữ truyền thống cha ông./.
Đỗ Huyền/TTXVN