Diện mạo thành phố Hưng Yên ngày càng khang trang, sạch đẹp |
Sau 15 năm được công nhận là đô thị loại III, bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố Hưng Yên hôm nay đã có những chuyển biến vượt bậc. Tổng thể thành phố khang trang và hiện đại, những công trình mới xây dựng tạo nhiều điểm nhấn, những con đường thoáng sạch và xanh mát… Hạ tầng đô thị của thành phố không ngừng được đầu tư, nâng cấp; các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, đời sống của người dân thànhphố ngày một nâng cao.
Liên tục trong 5 năm trở lại đây, thành phố huy động được trung bình 900 tỷ đồng/năm để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, làm mới và cải tạo hàng chục kilomet đường giao thông đô thị, hàng trăm kilomet đường giao thông nông thôn và đường phục vụ sản xuất; hệ thống cấp, thoát nước đô thị được hoàn thiện. Hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, giao thông rộng mở đã tạo ra không gian đô thị thoáng đãng và tạo đà đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh, mạnh hơn trên các lĩnh vực. Tổng số dự án đầu tư vào địa bàn thành phố hiện đạt gần 100 dự án, tổng vốn đầu tư gần 9 nghìn tỷ đồng. Những vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao ven đô thị; hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng sầm uất, chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Những yếu tố đó đã tạo nên bức tranh kinh tế nhiều màu sắc cho thành phố hôm nay. Năm 2021, thành phố đạt được thành quả rất đáng khích lệ: Tăng trưởng kinh tế đạt 8,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 96 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,12%…
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hưng Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu trọng tâm đến năm 2025, phấn đấu xây dựng thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại II. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ dân sinh trên địa bàn thành phố được quan tâm thực hiện đồng bộ.
Theo Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 24.3.2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP của thành phố khoảng 10,5/năm; thu ngân sách Nhà nước tăng trung bình trên 8%/năm; tỷ lệ đô thị hóa toàn thành phố đạt 59%; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; thêm 5 xã lên phường. Đến năm 2030, đạt được trên 50% các tiêu chí của đô thị loại I; hoàn thành dự án Khu đại học Phố Hiến; nâng cấp các xã còn lại lên phường; tăng trưởng GRDP đạt từ 11,5%/năm trở lên; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 70%. Đến trước năm 2035, thành phố Hưng Yên trở thành đô thị loại I, là thành phố du lịch văn hóa, có hệ sinh thái đô thị thông minh hoàn chỉnh. Đến năm 2045, thành phố Hưng Yên trở thành thành phố sinh thái, thông minh, văn hiến và giàu đẹp.
Nâng cấp tuyến đường Triệu Quang Phục (thành phố Hưng Yên) |
Để hoàn thành những mục tiêu đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đề xuất UBND tỉnh xem xét về cơ chế đặc thù cho thành phố nhằm có thêm nguồn lực, sớm hoàn thành mục tiêu, hỗ trợ thành phố 27 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 1.390 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 889 tỷ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của thành phố. Bên cạnh đó, thành phố chủ động có kế hoạch cụ thể, tập trung bố trí nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, công trình tạo điểm nhấn cho đô thị, nâng cấp một số di tích nhằm thu hút du khách. Tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng cho 3 xã phấn đấu lên phường; thu hút đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp; đưa vào hoạt động cụm công nghiệp Bảo Khê; xây dựng các công trình phúc lợi khu vực các phường, xã; chỉnh trang hè phố, các công trình giao thông liên xã, liên thôn, công trình văn hóa khu phố, làng... Đặc biệt quan tâm xây dựng hạ tầng khu vực trung tâm, hướng tới xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển đô thị thông minh.
Đồng chí Doãn Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Tiếp cận thời cơ và vận hội mới, với những mục tiêu mới, thành phố quyết tâm phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Những năm tiếp theo, thành phố tập trung xây dựng theo hướng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và theo xu thế hệ sinh thái đô thị thông minh; rà soát thực hiện chiến lược thu hút đầu tư trọng điểm, khả thi theo định hướng và quy hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, trong đó thương mại - dịch vụ là mũi nhọn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đất đai, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân…
Link bài gốc
https://baohungyen.vn/kinh-te/202205/xay-dung-thanh-pho-hung-yen-tro-thanh-do-thi-sinh-thai-thong-minh-hien-dai-va-van-hien-c37075c/