Hình ảnh người dân đưa hàng trăm đàn ong về vườn nhãn Hưng Yên lấy mật

laodong.vn 16/04/2022
Tháng 4, mùa hoa nhãn nở rộ, người nuôi ong từ khắp nơi đưa hàng trăm đàn ong tìm đến bãi đất trống (tỉnh lộ 379 qua xã Tân Dân, huyện Khoái Châu) cạnh vườn nhãn lấy mật.

Sau khi kết thúc vụ mật hoa vải ở Bắc Giang, đầu tháng 4, nhiều hộ nuôi ong chuyển hàng trăm thùng ong về xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên đúng lúc hoa nhãn bung nở. Những lán tạm được dựng lên để thuận tiện trông nom và thu hoạch mật.
Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 3.000 ha trồng nhãn, với hơn 10.000 đàn ong lấy mật, chủ yếu ở TP.Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ...Những con ong nội (ong bản địa) tìm mật hoa nhãn trong ngày thời tiết im mát. Người nuôi ong ở Hưng Yên chủ yếu nuôi hai giống là ong nội và ong Ý. Giống ong Ý to, khỏe, nhưng mật màu đục; ong nội mật thơm và trong.Con ong chúa được người nuôi kiểm tra trước khi gỡ thùng thu mật. Mỗi năm, ong chúa già đi, khả năng đẻ trứng kém,... nên phải cấy lại con ong chúa mới.Nhóm nhân công được chủ đàn ong thuê từ Lục Ngạn (Bắc Giang) xuống các vườn nhãn ở Hưng Yên để lấy mật. Nhóm thợ được trang bị đồ bảo hộ, đeo găng tay, đội mũ trùm đầu. Tuy nhiên, một số người thợ do đã quen việc nên cũng không cần thiết sử dụng đồ bảo hộ.Người thợ hun khói để xua đuổi bớt ong, hạn chế bị ong đốt.Mỗi cầu ong lần lượt được kiểm tra lượng mật trên bề mặt sáp. Hoa nhãn ít phấn hoa nên thường được cho ăn thêm bột đậu tương trộn phấn hoa hoặc đường để nuôi ong thợ, ấu trùng.Anh Ngô Văn Hiệp (38 tuổi, Lục Ngạn, Bắc Giang) là một trong số nhân công được chủ đàn ong thuê xuống Hưng Yên lấy mật nhãn. Anh cho biết, đây là công việc thời vụ diễn ra trong khoảng 2 tháng. Với hơn 200 tổ ong, anh và đồng nghiệp mất hơn 2 tiếng để lấy mật.Thợ lấy mật dùng cây chổi vải mềm loại bỏ những con ong đậu trên bề mặt sáp và bỏ bụi, sương đọng. Công việc này đòi hỏi vừa nhanh nhẹn vừa nhẹ nhàng, khéo léo, tránh làm ong chết hay bị thương.Những cầu ong lần lượt được chuyển từ tổ ra khu vực quay lọc mật.Mỗi mẻ quay mật có hơn 20 cầu ong được xếp ngay ngắn trong chiếc máy quay mật, bên dưới có chiếc van lớn để mật chảy ra ngoài. Trung bình, một mùa hoa nhãn chỉ cho khai thác mật trong 25-30 ngày, 500-600 đàn ong sẽ thu hoạch khoảng 5-6 tấn mật.Chị Đỗ Thị Mai (xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu) đã có 17 năm theo nghề, đưa 600 đàn ong đi khắp các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên. Chị Mai cho biết, nghề nuôi ong du mục cũng khá bấp bênh, phụ thuộc lớn vào thời tiết. Nếu may mắn thời tiết ủng hộ, trời im mát, ong sẽ tích cực lấy mật, chỉ sau 4-5 ngày là có thể thu hoạch mật nhãn. Như năm ngoái gặp mưa nhiều, nên số lượng mật lấy được bị ảnh hưởng.Người dân địa phương, khách qua đường xem các công đoạn thu hoạch và mua mật ong tại chỗ. Mật ong hoa nhãn được đánh giá là loại mật ong ngon, có giá trị nhất trong các loại mật ong. 1 kg mật được bán tại vườn với giá 100.000 đồng.Từng dòng mật vàng óng, sánh mịn, thơm lừng chảy đầy các can.Những thùng mật sau đó được vận chuyển về nơi cất giữ, chờ bán cho thương lái.
laodong.vn