Phố Hiến trong tôi

1. Tôi là người con Phố Hiến nhưng lạc quê từ thuở sơ sinh. Nơi tôi cất tiếng khóc chào đời là Hà Nội… Ông bà nội tôi mất từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong nạn đói Ất Dậu tang tóc không thể bao giờ quên được… Bố tôi là chàng trai đi bộ đội từ La Tiến, Nguyên Hòa, Phù Cừ, lấy mẹ tôi là cô gái Hàng Đào. Tôi lớn lên khi bố tôi đang ở chiến trường. Ký ức đầu tiên về quê còn lại trong trí nhớ của tôi là lúc mới khoảng năm, sáu tuổi, bỗng nhiên được bà ngoại và mẹ đưa về La Tiến. Giờ tôi chỉ còn nhớ rằng, sáng hôm ấy, khi trở dậy, tôi thấy mình đang nằm ở một nơi lạ, trong một căn nhà lạ, với những người bà con tuy là họ hàng nhưng cũng vẫn rất lạ… Và cả ngày hôm đó, cậu bé thị thành là tôi đã rất háo hức với khung cảnh thôn quê, với những vườn tược, ao, hồ đầy bí ẩn, với những cây nhãn cổ… Và với những món ăn dân dã, đơn giản nhưng rất ngon miệng… Đấy cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào là hương vị quê hương, dù không để tâm tới việc, tại sao giữa những tháng ngày đầy căng thẳng và bận rộn của chiến tranh, tôi lại được đưa về đó chơi… Mãi sau này, tôi mới biết, ở thời điểm đó, mẹ tôi nhận được tin báo từ chiến trường là bố tôi đã hy sinh ở Trường Sơn… Và thế là bà ngoại tôi quyết định đưa mẹ tôi về thắp hương ở quê chồng, dù những người ruột thịt của bố tôi ở đó hầu như chẳng còn ai… Rồi mấy tháng sau lại có tin rằng, bố tôi trong trận bom dữ dội của kẻ thù đã may mắn chỉ bị thương, tuy khá nặng nhưng vẫn còn sống sót… Sau chiến tranh, bố tôi đã trở về và năm nay, đã ở tuổi 97…

Tôi không có nhiều kỷ niệm ở quê nội. Nhưng càng lớn lên, tôi càng thấy trong mình trỗi dậy những nét tính cách bẩm sinh của một người Phố Hiến. Và tôi cũng đồng cảm hơn với cha mình, người trong hoàn cảnh mồ côi đã xa quê từ lúc còn rất trẻ nhưng lúc nào cũng đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn, không phải vì có nhiều ngọt ngào trong quá khứ mà chỉ đơn giản đó là quê hương… La Tiến trong những năm tháng cũ đã là một vùng quê rất nghèo. Và cũng đã là một mảnh đất quá khốc liệt trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Cây đa La Tiến như một chứng tích về tội ác của thực dân Pháp đã sát hại ít nhất là 1145 cán bộ, đồng bào ta tại khu vực này có lẽ cần được coi như một biểu tượng mang tính quốc gia về sự hy sinh và lòng dũng cảm. Và cả về những đau đớn, mất mát vô cùng to lớn mà dân ta đã phải chịu để có được ngày chiến thắng, hòa bình…

Và chính trong tâm thế ấy, từ hơn hai mươi năm trước, tôi đã viết bài thơ như một cách hình dung nên tâm trạng của cha mình về quê hương. Lá phải rơi về cội, con người ta dù có lưu lạc tới những đâu đâu thì rốt cuộc đều chỉ muốn được còn lại vĩnh viễn tới nơi phát tích của mình:

“Phút lâm chung tôi muốn về La Tiến
Dẫu cây nhãn xưa đã bị chặt rồi
Dẫu ai đã mua đứt vườn ông nội
Và họ hàng lạ lẫm mặt nhau

Dẫu chẳng còn bóng những nương dâu
Đặng mỹ nhân dụ chúa vào mê lộ
Người đàn bà gánh hóa thay dòng họ
Đón tai ương bằng tất cả xuân thì

Dẫu chẳng còn náo nức những khoa thi
Trai họ Đặng mơ sách đèn vinh hiển
Phút lâm chung tôi muốn về La Tiến
Soi gương sông Luộc vắt ngang trời

Dẫu bấy giờ em hết thuộc về tôi
Và bạn cũ đã sang chiều tất cả
Dẫu chắc chẳng được thêm lần nữa
Yêu thương em như một sự sau cùng

Tôi muốn về La Tiến phút lâm chung
Hóa hòn đất đắp bồi quê cũ
Chuộc được chăng lỗi một đời xa xứ
Lỗi một đời bắt khổ vợ và em???”


2. Tỉnh Hưng Yên vừa kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, nhưng lịch sử của vùng đất này có lẽ phải tính tới cả nghìn năm. Huyện Phù Cừ quê tôi, theo những thư tịch còn lưu lại được, có lẽ đã được lập ra từ thời Hậu Trần, đầu thế kỷ XV, với cái tên ban đầu là Phù Dung, rồi chuyển sang Phù Hoa… Những cái tên đầy những sức hút và cũng không ít truân chuyên… Nhìn về góc độ văn hóa, Hưng Yên là nơi có nhiều danh nhân văn hóa, nhiều truyền thống văn hóa… Ấy thế mà cũng có những sự trớ trêu. Tôi còn nhớ, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi tôi còn làm việc viết kịch bản cho các chương trình Câu lạc bộ Người yêu thơ cho Đài Truyền hình Việt Nam. Một lần có đề nghị làm một chương trình ở Hưng Yên. Trong chương trình có mục đố tên tác giả những câu thơ hay thời cổ về quê nhãn của mình. Để viết phần này, tôi đã lục tìm rất nhiều tuyển tập của những tác giả lừng danh thời trước nhưng rốt cuộc chỉ thấy mỗi mấy câu thơ rất xỏ xiên của Trạng Quỳnh về Phố Hiến… Nghĩ mà tức!...

Bây giờ nói tới thi ca về quê nhãn, những người yêu thơ trước tiên hẳn sẽ nhớ tới hình ảnh rất đẹp “Ong bay quanh khu nhà Tỉnh ủy Hưng Yên” trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ lớn Chế Lan Viên “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” Hình ảnh đó hay không chỉ ở chi tiết đời thường thơ mộng mà ở một cách xử thế: Phố Hiến là nơi trọng những văn tài, luôn muốn lôi cuốn các văn nghệ sĩ về với mình để cùng làm giàu có thêm những giá trị văn hóa chung, cho địa phương và cho cả nước… Với tôi, Hưng Yên trong cách hình dung của một nhà thơ quê nhãn như sau:
“...
Ta về với xứ
Thích ăn tương Bần...

Nhãn lồng sai quả,
Sông Hồng nước lên.
Kính già thương trẻ
Nối dài lương duyên.

Phố Hiến từ tâm
Tự mình tích lực.
Đền Mẫu linh thiêng
Xin lành được phúc.

Xích Đằng khắc chữ,
Nén dữ chùa Chuông...
Cây đa La Tiến
Để đời xót thương...

Đa tình nhất mực,
Dạ Trạch hoàn thiên.
Thật thà phồn thực,
Trần mà quá tiên...

Không gì lãng quên
Trong từng vụn đất.
Mất được hồn nhiên
Trổ thành câu hát...”
Thực tế là, Hưng Yên của chúng ta là nơi xuất thân của nhiều văn tài thời hiện đại, thành danh ngay cả ở “kinh kỳ”, tầm cỡ quốc gia… Và chính những văn tài đó lúc nào cũng có thể tạo nên sức hấp dẫn hơn cho quê hương của mình… Trong bài phát biểu mới đây tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị tỉnh “cần đặc biệt chú trọng” gìn giữ và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đó mới thực sự là “nền tảng tinh thần”, là “động lực phát triển”… Phố Hiến hiện nay vẫn còn giữ được rất nhiều những di tích văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mà nếu biết cách phát huy trong đời sống đương thời, có thể thu về rất nhiều lợi ích không chỉ đối với phát triển kinh tế mà cả ở sự nghiệp xây dựng con người Hưng Yên văn minh, lịch lãm và bản lĩnh…


3. Năm nay tôi cũng đã ở tuổi 60, là một cán bộ hưu trí. Đã qua đi vòng đời căn bản nhất. Và càng thêm tuổi, tôi càng ý thức được hơn sức hút của miền quê gốc. Trong những năm còn làm việc trong bộ máy hành chính, với tư cách một nhà báo, tôi đã được chứng kiến không ít những biến động và đổi thay ở Hưng Yên. Và gặp gỡ nhiều thế hệ lãnh đạo ở quê hương… Rất vui mừng với những tích cực và phát triển, rất hào hứng với những tinh hoa truyền thống vẫn được tiếp nối nhưng lắm lúc cũng không thoát khỏi những âu lo trước những hệ lụy thị trường của môi trường xã hội đương thời. Quê hương đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng tự hào nhưng đặt tay lên ngực mà nói với nhau, chúng ta lẽ ra còn có thể làm được nhiều hơn nữa nếu chúng ta khắc phục được một số hạn chế trong chính bản thân mình…


Sống ở xa quê, có người gốc Hưng Yên nào vẫn nôn nao trong lòng một khát khao hồi cố như tôi không:
“Về thôi, với mảnh vườn quê,
Ao bèo ngấm nắng nằm mê Thị Mầu...
Thơm thơm như vị lá trầu,
Môi ai mấp máy thả câu ỡm ờ...

Về thôi, tìm lại tình thơ,
Cha ông để lẫn giữa ngơ ngẩn chiều.
Một liều ba bẩy cũng liều,
Ta mang nuối tiếc phất diều lưng mây...

Về thôi, ngụm rượu chờ say,
Nửa khuya gió ám cánh tay để trần.
Yêu thương như nợ đồng lần,
Tìm trong xa cách những gần gụi đau...

Về thôi, đêm tắm hương ngâu,
Em sau cuối lại duyên đầu tưởng quên.
Về thôi, đất bãi Hưng Yên,
Giấu trong hoa nhãn những thiên sử buồn...
10-1-2022

Hồng Thanh Quang