Bật bình nóng lạnh 24/24 giờ tốn bao nhiêu tiền điện?

Ai cũng hiểu, bình nóng lạnh sẽ tự ngắt điện khi đủ nhiệt độ và tiền điện sẽ chỉ tốn thêm 1 chút so với bật bình khi cần tắm. Nhưng ít ai biết con số cụ thể là bao nhiêu.

Bình nước nóng có bình chứa nước nóng là loại bình đang được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam, kết cấu của nó khá đơn giản là 1 bình chứa nước và thanh đốt được nhúng vào trong bình, ngoài ra còn 1 số rơ le nhiệt giúp bình tự ngắt điện khi nhiệt độ đủ cao.
Loại bình nước nóng phổ biến tại Việt Nam

Theo thông thường, chúng ta sẽ bật bình khoảng 10 đến 20 phút rồi tắt để bắt đầu tắm, đó là lối sử dụng phổ thông nhất tại VN hiện nay. Tuy nhiên, cách sử dụng này có chút vấn đề là mỗi lần muốn sử dụng cần có thời gian đun, thời gian đun ngắn hay dài tùy thuộc vào dung tích bình chứa và thời gian sử dụng bình.

Bình nóng lạnh ngoài công tắc tắt bật chính nó còn được trang bị 1 chiếc rơ le tự ngắt khi đủ nhiệt, vì thế nhiều người cho rằng, dù bật 24/24 cũng sẽ không tốn điện hơn so với dùng thì mới bật. Vậy cụ thể khoản điện tốn hơn đó là bao nhiêu tiền?

Một người dùng smarthome có Facebook là Lê Xuân Quyền đã đăng tải project của mình trên Group Smarthome Việt. Theo đó, anh này đã tiến hành lắp thêm 1 đầu đo nhiệt độ nhúng hẳn vào bên trong bình và quan sát đồ thị phản ứng của nhiệt độ nước nóng trong thời gian dài để rút ra kết luận.



Cụ thể là khi chúng ta bật bình 24/24, ở trạng thái ngừng đun, nước sẽ mất khoảng 1 độ C sau mỗi 43 phút. Và bình nước sẽ mất tổng cộng 32 độ C sau 24 giờ không sử dụng.

Việc đun nước trong bình cũng tăng theo hàm bậc 1 nghĩa là cứ bật điện là tiêu thụ đúng chừng đó điện không ảnh hưởng bởi thời gian đun ngắn hay dài, bật tắt nhiều hay ít.



Do đó có thể tính được mỗi phút đun nhiệt độ nước tăng 1,6 độ C. Do đó để đun hết lượng nhiệt bị mất đi là 32 độ C chúng ta sẽ phải mất 20 phút đun mỗi ngày nếu không tắt nguồn điện chính của bình nóng lạnh.

Và lượng điện tiêu thụ sẽ là 2500/3 (⅓ giờ) = 833Wh = 0,83kWh (số điện) mỗi ngày.

Mỗi ngày không tắt bình nóng lạnh, chúng ta sẽ hao phí gần 1 số điện. Thử tính trong 30 ngày liên tục. 0,83 x 30 = 25 số điện 1 tháng. Biểu giá điện sinh hoạt mức thấp nhất là 1678 đồng và cao nhất là 2461 đồng. Do đó chúng ta sẽ mất từ 41.950 đồng đến 61.525 đồng 1 tháng.

Như vậy, cái giá phải trả cho sự tiện lợi không cần chờ đun nước trước khi tắm mà các bạn phải chịu là khoảng trung bình 50 nghìn đồng 1 tháng.

Không chỉ tiền điện, việc để nước nóng liên tục trong bình cũng là điều kiện lý tưởng để các loại ăn mòn điện hóa tiến triển nhanh hơn, bình sẽ nhanh đóng cặn hơn, phải bảo dưỡng nhiều hơn và tuổi thọ bình cũng giảm đi theo.


Tri Thức Trẻ