Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên – vầng trăng khuyết tuyệt đẹp giữa lòng Phố Hiến

bandidau 26/09/2021
Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Hưng Yên, thì không thể không ghé đến hồ Bán Nguyệt. Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên xưa nay là thắng cảnh thu hút khách du lịch. Bất cứ ai đến nơi đây đều mang trong mình ấn tượng sâu đậm về phong cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng, cùng các lễ hội được tổ chức hàng năm.

Vẻ đẹp của hồ Bán Nguyệt Hưng Yên cũng được thể hiện một cách chân thật và sống động trong từng lời văn, câu thơ qua bao tác phẩm văn học nghệ thuật tài hoa. Đến với hồ Bán Nguyệt Hưng Yên, du khách sẽ được vùng vẫy trong bầu không khí yên bình, trong lành, ghi lại những khuôn hình ấn tượng và đọng lại những cung bậc cảm xúc khó quên.



Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên – điểm đến đặc biệt

Hưng Yên là một tỉnh nổi tiếng với các truyền thống văn hóa đặc sắc. Về Hưng Yên, du khách không những được đắm mình vào các di tích lịch sử, thưởng thức các đặc sản nổi tiếng như nhãn lồng, hạt sen,… mà còn được chiêm ngưỡng và cảm nhận các giá trị vật thể – phi vật thể của một địa danh từng là cảng thị phát triển ở thế kỷ XVI, XVII.

Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên – nơi nổi tiếng với truyền thống văn hóa đặc sắc

Phố Hiến là một trong những thương cảng lớn phát triển cực thịnh vào thế kỷ XVI, XVII. Là 1 trong 3 khu phố cổ của Việt Nam chỉ sau thủ đô Thăng Long. Điều đó được thể hiện qua câu văn: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ hai Phố Hiến”. Phố Hiến bị thu hút bởi sự trầm mặc, mang dấu tích thời gian của những di tích lịch sử có niên đại hàng trăm năm. Có lẽ, đó cũng là lý do vì sao người dân Hưng Yên luôn tự hào về quê hương mình, luôn ý thức được rằng phải giữ gìn các di tích cẩn thận.

Trong đó, những di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với Phố Hiến Hưng Yên không thể không nhắc tới như: chùa Chuông, Văn Miếu Xích Đằng, đền Trần, đền Mẫu,…

Hồ Bán Nguyệt ở đâu?

Hồ Bán Nguyệt được coi là trái tim của Hưng Yên, là danh thắng nổi tiếng bậc nhất ở Hưng Yên. Cái tên ấy đã phần nào hình dung ra được hình dáng của hồ, giống như một vầng trăng khuyết thật đẹp.

Hồ Bán Nguyệt làm xao động lòng người bởi khung cảnh tráng lệ

Trong khu đô thị sầm uất, hồ Bán Nguyệt như một vầng trăng khuyết đẹp lộng lẫy, với từng dòng nước trôi yên ả, không gian tĩnh lặng nằm giữa lòng Phố Hiến đã tạo nên một khung cảnh rất nên thơ. Hồ Bán Nguyệt là một khúc sông Hồng bỏ lại khi đổi dòng, dân gian ở đây đều ví hồ là mảnh gương của Hằng Nga đánh rơi xuống trần gian. Dù hồ không thông với đâu, nhưng quanh năm vẫn đầy ắp nước trong vắt. Một bên là phố phường tấp nập, đông người qua lại. Một bên là con đê sông Hồng chạy dài đến bờ đê trải thảm cỏ xanh mướt. Cảnh hồ mây lồng bóng nước, mặt hồ phẳng lặng, những hàng cây ven hồ cũng soi mình dưới mặt hồ trong xanh tựa như một tấm gương lớn lung linh.

Hồ Bán Nguyệt không những thơ mộng, mà còn nằm ở một vùng đất linh thiêng với nhiều đền, chùa, miếu, đình. Trong đó, ngay tại ven hồ nổi tiếng với hai điểm đến tâm linh được nhiều người dân Việt ghé thăm mỗi khi về Phố Hiến, luôn soi mình dưới mặt hồ tĩnh lặng, và trường tồn theo năm tháng. Đó là Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi và Đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị đức thánh cha của dân tộc.

Về với Phố Hiến – Hưng Yên, là tìm về những giá trị tâm linh cao đẹp, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính rêu phong của những ngôi đền, ngôi chùa nơi đây. Đặc biệt là hồ Bán Nguyệt, là nơi mà du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, cây cảnh, hít thật mạnh bầu không khí trong lành làm tan đi mệt mỏi của những bận rộn thường ngày.

Đến với hồ Bán Nguyệt là đến với các lễ hội truyền thống đặc sắc

Hồ Bán Nguyệt là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, lịch sử hàng năm. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp đã cho đắp con đường nhỏ từ cửa Đền Mẫu sang điếm canh đê chia đôi hồ để chèo thuyền vui chơi trong những giờ nhàn rỗi. Cách Mạng Tháng Tám thành công, con đường này bị phá, trả lại nét đẹp nguyên sơ cho hồ. Năm 1905, tổng đốc Lê Hoan đã tổ chức cuộc thi vịnh Kiều ở ngay bên hồ Bán Nguyệt với sự tham gia của Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh. Ngày nay, các lễ hội như: lễ hội Đền Mẫu, Đền Trần, cùng các lễ hội dân gian Phố Hiến,… và các hoạt động lớn như: hát quan họ trên hồ, ca nhạc chào mừng tách tỉnh Hưng Yên, bắn pháo hoa vào dịp tết, tổ chức các cuộc thi bơi, đua thuyền,… Tất cả đều diễn ra ở hồ Bán Nguyệt, đều được giữ gìn và duy trì cho đến ngày nay.
Hát quan họ trên hồ Bán Nguyệt


Lễ hội đua thuyền trên hồ Bán Nguyệt diễn ra hàng năm

Hình ảnh của hồ Bán Nguyệt được hiện rõ qua những vần thơ

Đối với nhà thơ Nguyễn Bính, hồ Bán Nguyệt đẹp tựa như tình cảm trong sáng, đơn giản và chân thành:

Em đi kiếm gạch Bát Tràng
Xây hồ Bán Nguyệt cho nàng rửa chân
Hồ tiên đâu phải hồ Trần
Em không thả cá mà thuần thả thơ.
Đi không hẹn, chị đừng chờ
Xây hồ đủ gạch, em thơ chị về.

(Nguồn: Xuân tha hương, sở Văn hóa Thông tin Hà Nam Ninh sản xuất năm 1989, Đỗ Đình Thọ sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu, trang 83-84)

Hay thơ của Nguyễn Khắc Hào, tác giả cũng vẽ lên một bức họa hồ Bán Nguyệt đầy trữ tình, thả vào đó những nỗi nhớ nhung và khắc khoải, hy vọng một ngày được trở lại nơi thanh bình ấy:

Đã bao giờ em về thăm Nguyệt Hồ
Để tìm lại bóng dáng Phố Hiến xưa
Lòng bâng khuâng không biết tự bao giờ
Mà bình yên nơi đây sao mênh mang đến thế.


Có khi nào em về thăm Nguyệt Hồ
Nơi con đường đê xanh tắm nắng vắt ngang qua
Còn ngoài kia sông Hồng buồn vui hối hả
Về biển khơi vui hát khúc ca ngàn năm.


Anh bảo rằng ngày xưa nơi đây vốn là đất
Em bảo rằng ngày xưa nơi đây vồn là nước
Dáng lưỡi liềm trăng non lung linh từ thuở trước
Đến bấy giờ vẫn thế Nguyệt Hồ ơi!


Em bảo rằng tình yêu khi xưa không rộn rã
Nên Nguyệt Hồ ngày nay vẫn xanh trong là thế
Với nhãn lồng Hưng Yên ong đi còn nhớ mãi
Tháng năm dài bờ ôm nước khát khao miên man
Theo tháng ngày vẫn thế Nguyệt Hồ ơi!

(Nguồn: tuyengiaohungyen.vn, Trang thông tin điện tử Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Hưng Yên, Tình khúc Nguyệt Hồ (thơ), thơ Nguyễn Khắc Hào)

Hồ Bán Nguyệt trong bài thơ của Lương Sơn lại xuất hiện một cô thiếu nữ làm khung cảnh trở nên lãng mạn và thơ mộng hơn bao giờ hết:

Đền đài hàng cây cổ thụ
Ghế đá ai ngồi bên bờ liễu rủ
Nữ sinh mắt đen hạt nhãn
Hương xuân lãng đãng tóc dài thướt tha
Sông Hồng đã lùi xa
tiếng sóng vỗ còn trong hoài niệm!
Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến…
người về thương cảng
con thuyền neo đậu dưới trăng.

(Nguồn: Hương tóc (thơ), Lương Sơn, NXB Hội nhà văn, 2010)

Qua mỗi câu thơ được viết dưới ngòi bút của mỗi tác giả, là mỗi hình ảnh và cảm xúc khác nhau về hồ Bán Nguyệt. Đọc những câu thơ ấy, chúng ta nhận thấy rằng: một khi đã đến nơi đây, ai ai cũng mang trong mình những cảm xúc, nỗi niềm riêng. Xa rồi lại cảm thấy nhớ, thấy thương, luyến tiếc mãi không muốn rời đi.

Dạo hồ Bán Nguyệt qua những khung ảnh rực rỡ

Hồ Bán Nguyệt

Hình ảnh hồ Bán Nguyệt Hưng Yên sẽ đem lại cho quý khách những trải nghiệm thú vị nhất. Nhưng sẽ tuyệt vời hơn khi được đến tận nơi, xem tận mắt vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có như thế này!
Hồ Bán Nguyệt

Hồ Bán Nguyệt nổi tiếng với 2 di tích lịch sử

Thăm đền Mẫu – chốn linh thiêng nơi Phố Hiến

Tọa lạc tại đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, thành phố Hưng Yên – Đền Mẫu hay còn gọi là Hoa Dương Linh Từ, là một trong những nơi thờ cúng linh thiêng, thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách thập phương. Đây là ngôi đền độc nhất vô nhị, nằm trong quần thể di tích quốc gia, một di tích lịch sử không chỉ đẹp về địa thế, kiến trúc cổ kính, cảnh quan mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Phố Hiến xưa.
Đền Mẫu Hưng Yên – chốn linh thiêng nơi Phố Hiến, Hưng Yên


Đôi nét về lịch sử Đền Mẫu

Đền Mẫu nằm trên vùng đất rộng gần 3000m2, phía trước là hồ Bán Nguyệt, xa hơn một chút là con đê sông Hồng. Đền Mẫu thờ Dương Quý Phi, tức Dương Thiên Hậu, hoàng hậu của vua Tống Đế Bính ở Trung Hoa.

Trong lúc bị giặc Nguyên truy đuổi, vua Tống cùng một số phi tần nhảy xuống biển từ trầm. Xác của Dương Quý Phi dạt vào cửa sông thuộc khu vực Phố Hiến, và được người dân làng chài chôn cất tử tế rồi lập miếu thờ.

Nội hầu triều Tống là thái giám họ Du lưu lạc sang đây, tích cực tu bổ miếu, đồng thời lập làng Hoa Dương, nên tên gọi Hoa Dương Linh Từ cũng xuất phát từ đó.

Kiến trúc Đền Mẫu

Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi lại Đền Mẫu được khởi dựng vào năm 1279, tức thời của Trần Nhân Tông. Tuy đã trải qua nhiều thời kỳ tu sửa nhưng đến nay, Đền Mẫu vẫn giữ nguyên vẹn vẻ lâu đời, còn vương lại trên từng viên gạch, mái chùa, hay những pho tượng. Nghi môn của Đền được xây dựng công phu và tỉ mỉ, kiến trúc kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, cửa xây vòm cuốn gồm một cửa chính và hai cửa phụ. Trên vòm cuốn có bức đại tự được ghép bằng các mảnh gốm lam, ghi kiểu chữ Triện: “Dương Thiên Hậu – Tống Triều”. Nét điển hình của kiến trúc thời Nguyễn, theo chữ Hán là: “Thiên hạ mẫu nghi” (Người mẹ sáng suốt trong thiên hạ).



Bước qua cổng chùa, du khách đến chiêm bái như bước vào cõi Phật – Thánh, với nhan khói phảng phất, không gian thanh bình và có tiếng chim líu lo. Ngay trước sân Đền là tán cây cổ thụ được kết hợp bởi 3 loại cây: sanh, đa, si quấn lấy nhau, rủ bóng mát quanh Đền, tăng vẻ trang nghiêm. Qua sân Đền là tới tòa tiền tế với 3 gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường đấu sen, mái uốn cong mềm mại kiểu rồng chầu, lợp ngói vẩy rồng. Chính diện đắp “Lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên đại bái là điện Lưu Ly và cung Quản Hàn.

Đi qua tòa tiền tế là tới Hậu cung, nơi đặt tượng thờ Dương Quý Phi với gương mặt diễm lệ, phúc hậu cùng với hai người hầu là Kim Thị và Liễu Thị, có niên đại từ thế kỷ XVII – XVIII. Tất cả đều được sơn son thép vàng. Gian thờ dưới ánh sáng mờ ảo của điện nến, làn khói tỏa hương thơm, khi đến đây chiêm bái du khách có thể cảm nhận bầu không khí linh thiêng của chốn thâm cung.

Ngoài ra, Đền vẫn còn lưu giữ nhiều di vật quý báu như long sàng, long kỷ có niên đại thế kỷ XVIII – XIX và 15 đạo sắc phong từ triều Lê đến triều Nguyễn, ca ngợi tấm gương trung tiết của Dương Quý Phi.

Lễ hội Đền Mẫu

Lễ hội Đền Mẫu Hưng Yên được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm. Thu hút du khách thập phương đến Đền Mẫu tham dự, xin duyên, xin điều lành để được bình an, sức khỏe và công việc được thuận lợi.
Các lễ hội cũng được tổ chức hàng năm ở Đền Mẫu

Viếng Đền Trần – vị đức thánh cha của dân tộc

Đền Trần Hưng Yên là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (tên khai sinh là Trần Quốc Tuấn), thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đền nằm trong Quần thể di tích Phố Hiến và được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Đây cũng là nơi thu hút nhiều du khách thập phương ghé đến.
Đền Trần Hưng Yên – nơi thờ vị đức thánh cha của dân tộc Việt Nam

Lịch sử

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đóng quân tại đây, tận dụng lợi thế ngã ba sông để đánh giặc, làm nên ba lần đại thắng vang dội. Đặc biệt là chiến thắng lững lẫy trên sông Bạch Đằng vào năm 1288.

Về sau, để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân đã lập đền để tưởng nhớ. Vào năm Tự Đức thứ 16 (1863), Đền Trần được khởi dựng và hoàn tất vào Tự Đức thứ 22 (1869). Đến đời vua Thành Thái (1903), Đền được trùng tu và có kiến trúc như ngày nay.

Kiến trúc Đền Trần

Đền tọa lạc trên thế đất đẹp, nhìn ra có thể thấy hồ Bán Nguyệt tuyệt đẹp. Cổng nghi môn xây kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, trên cổ diêm có ghi bốn chữ: “Kiếm khí đẩu quang” (Tinh thần yêu nước tỏa sáng). Phía dưới cửa cuốn có đề: “Trần Đại Vương từ” (Đền Trần Đại Vương). Tổng thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu chữ Tam, gồm: đại bái, trung từ và hậu cung. Tòa đại bái gồm năm gian, kiến trúc theo kiểu chồng rường giá chiêng, các con rường được chạm hình đầu rồng. Gian giữa treo bức đại tự: “Thân hiền tại vọng” (Ngưỡng vọng người hiền tài).

Tòa trung từ cũng gồm 5 gian, kiến trúc vì kèo quá giang đơn giản, bào trơn đóng bén, không có hoa văn. Phía tiếp giáp hậu cung treo bức đại tự: “Công đức như Thiên” (Công đức của Thánh rộng lớn như trời).

Giáp với trung từ là ba gian hậu cung, thờ Trần Hưng Đạo và toàn bộ gia thất của ông. Hiện nay, Đền vẫn còn lưu giữ lại nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 8 sắc phong, 5 bia đá và 40 pho tượng,…

Lễ hồi Đền Trần

Lễ hội được tổ chức vào hai ngày: 8/3 (Kỷ niệm chiến thắng trên sông Bạch Đằng) và 20/8 (Kỷ niệm ngày mất của Trần Hưng Đạo) âm lịch hàng năm. Trong các ngày hội sẽ diễn ra tế lễ, rước kiệu du hành, tổ chức thi nấu bánh chưng, bánh dày,… Thu hút đông đảo du khách thập phương và người dân trong vùng tham dự, chiêm bái.

Cảm xúc đọng lại qua chuyến đi hồ Bán Nguyệt Hưng Yên

Hồ Bán Nguyệt Hưng Yên rất phù hợp với những người yêu thiên nhiên, thích bầu không khí trong lành, đặc biệt là thích sự yên tĩnh. Là nơi du lịch lý tưởng, giúp du khách có thể lấy lại sự cân bằng, giải tỏa căng thẳng, muộn phiền.

Được ngắm cảnh hồ trong xanh, dòng chảy êm ả, hưởng thụ cơn gió nhè nhẹ lướt qua trên mặt hồ, qua những tán cây tạo ra những âm thanh dễ chịu – âm thanh của thiên nhiên. Lắng đọng với các di tích lịch sử còn mãi theo thời gian, cùng những lời cầu chúc may mắn. Đặc biệt là được tham dự các lễ hội đậm chất văn hóa truyền thống. Chắc chắn sau chuyến đi hồ Bán Nguyệt Hưng Yên này sẽ mang lại cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc, sự lưu luyến trước vẻ đẹp lộng lẫy và cảm giác yên bình đến lạ, cùng những kỷ niệm khó phai khi đến nơi đây.
bandidau