'Xuống ăn sáng con ơi! Con ăn với mẹ nha?', tôi sợ một ngày mình sẽ không còn được nghe những câu nói thân thuộc ấy.
Anh chị em tôi, ai cũng mong muốn được đưa mẹ về ở cùng, nhưng chỉ có tôi là người may mắn được bà chọn. "Xuống ăn sáng con ơi! Con ăn với mẹ nha?", những câu nói ấy rất đỗi quen thuộc, diễn ra mỗi buổi sáng, khi tôi vừa ngủ dậy bước từ trên lầu xuống. Tôi không biết sẽ như thế nào nếu một ngày nào đó không còn nghe thấy những lời ấy nữa? Đó cũng là điều mà anh chị em chúng tôi rất sợ...
Năm nay, mẹ tôi đã gần 90 tuổi, cha tôi mất khi ông mới ngoài 60. Hiện, anh chị em tôi không giàu có, nổi tiếng nhưng nhìn chung cũng thành công, quan trọng là biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, tạo nên một đại gia đình tại Sài Gòn. Nhờ sự dạy giỗ và định hướng của cha, sự thương yêu vun vén của mẹ, sự dìu dắt của người anh cả... mà anh chị em tôi có được như ngày hôm nay.
Mẹ tôi là người tần tảo như bao nhiêu người mẹ khác cùng thời, nhưng mẹ vất vả hơn nhiều, vì nhà tôi rất nghèo, bên ngoại gần như chẳng còn ai do bị bom Mỹ bắn phá, còn bên nội cũng nghèo khổ không kém. Phận làm dâu thời đấy khổ cực trăm bề, dù ông bà nội tôi không đến nỗi nào, nhưng tôi hiểu không dễ dàng chút nào cho mẹ ngày ấy.
Mẹ tôi là người rất giỏi gói ghém và có kế hoạch. Tôi nhớ mỗi lần mẹ đi chợ về, chỉ mua đúng một cái bánh đa, chia đủ cho sáu anh chị em tôi, không giống nhà người ta mỗi đứa một cái. Tát ao bắt cá tháng bảy cũng vậy, chúng tôi chỉ ăn những con cá nhỏ, cá to kho đi kho lại để dành giỗ ông nội tận tháng chín. Mẹ để các con đói một chút nhưng chưa bao giờ thiếu ăn một ngày, trong khi hàng xóm của chúng tôi cứ đến tháng 10 âm lịch đã hết gạo, phải đi vay ăn từng bữa.
Đời người một lần cháy nhà đã là bi kịch, vậy mà cha mẹ tôi trải qua những ba lần. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu và có lẽ không bao hiểu được suy nghĩ của cha mẹ ngày ấy như thế nào trong những hoàn cảnh cùng cực đến vậy. Tôi chỉ nhớ, cứ sau mỗi lần cháy nhà, cha mẹ lại cùng nhau làm lại từ đầu; cùng các con đi xin mỗi nhà một ít tre, ít lá mía để lợp tranh... dần dần cũng hình thành nên căn nhà.
Tôi còn nhớ căn nhà sau cùng, trước lúc cả gia đình rời quê, được cha mua từng cây gỗ, ngâm dưới ao cho đến khi đủ cột một căn nhà ba gian, năm thì mua vôi, năm thì mua gạch... tích cóp để đủ cho một căn nhà phải mất 3-5 năm. Cha kế hoạch, mẹ vun vén, cứ thế cuối cùng chúng tôi cũng có được một căn nhà khang trang, được hàng xóm, láng giềng ngưỡng mộ. Xóm giềng nói với nhau rằng cha mẹ tôi xứng đáng được như thế sau bao năm vất vả cùng cực.
Thời gian trôi qua, anh chị em chúng tôi dần khôn lớn. Lần lượt anh cả rồi chị kế tôi tìm cách thoát ly, để sau này đưa cả gia đình rời quê lên phố. Tôi nhớ mãi ngày cha mẹ rời quê hương, bà con xóm giềng tiễn bộ ông bà gần ba cây số. Bà con đến chia tay một người phụ nữ quá vất vả nhưng vượt lên để có ngày hôm nay, chia tay một người hàng xóm đầy tình nghĩa với một tấm lòng thương người, không giữ lại gì cho riêng mình. Tôi nhớ hình ảnh mẹ ngồi giữa đống hàng hóa mà con trai mẹ đi xuất khẩu lao động mang về, nào là xà bông, vải, đường, đá bật lửa... rồi mẹ chia hết cho cả làng trên, xóm dưới.
Dù đã xa quê hơn 30 năm, nói đến tên cha mẹ, người ở quê tôi vẫn luôn nhắc nhớ. Tôi cảm ơn cha mẹ đã dạy cho anh chị em chúng tôi một lối sống có tình người, một tinh thần vượt qua khó khăn và đặc biệt một tình thương người bao la, biết cho đi để mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho mình, cho người và tích phúc phần cho con cháu đời sau. Dù biết rằng quá sớm để có thể khẳng định một điều gì đó ở tương lai, nhưng những gì chúng tôi có được như ngày hôm nay, các con cháu chúng tôi có một tương lai tươi sáng phía trước khi được học hành đầy đủ đều là nhờ công sức của cha mẹ.
Chúng tôi vẫn luôn hướng về mẹ với một tình thương chân thành, cầu mong mẹ được sống lâu cùng con cháu. Kính chúc tất cả các mẹ một mùa Vu Lan vui khỏe và sống trường thọ bên con cháu.
Nguyễn Quốc Khánh
Link bài gốc
https://vnexpress.net/nhung-ngay-con-me-4344601.html