Theo thống kê, tỉnh Hưng Yên có trên 1.200 di tích các loại trong đó có 165 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia, 214 di tích, cụm di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể như: hoành phi, câu đối, khánh thờ, sắc phong, hương án, long trụ, quy - hạc…Bên cạnh giá trị về lịch sử, văn hóa còn lưu giữ các giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật của Việt Nam trong nhiều giai đoạn lịch sử.
Bề dày vùng văn hóa sông Hồng, còn lưu giữ trên 400 lễ hội, trong có nhiều lễ hội in đậm sắc thái nền văn minh lúa nước như: Lễ hội cầu mưa, lễ rước nước, kéo co…;Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung - một lễ hội tình yêu độc đáo bậc nhất cả nước. Tỉnh Hưng Yên còn gìn giữ được hát ca trù, loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại; hát trống quân tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Văn Miếu Hưng Yên, xây dựng từ thế kỷ XVII, một di tích tiêu biểu tôn vinh nền văn hiến và truyền thống hiếu học lâu đời của người dân Hưng Yên. |
Đặc biệt là quần thể các di tích lịch sử đang lưu giữ tại tỉnh Hưng Yên phản ánh tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc như: “Đầm Nhất Dạ”, vào thế kỷ thứ 6 Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) đã dùng làm căn cứ đấu tranh đánh đuổi giặc Lương; cửa Hàm Tử (xã Hàm Tử) - dấu ấn cuộc đấu tranh chống quân Nguyên Mông giành thắng lợi vẻ vang năm 1285, triều Trần; Bãi Sậy (xã Tân Dân) về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo từ năm 1885 - 1892 một trong những cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỉ 19 chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp.
Lịch sử hình thành và phát triển lâu đời đã để lại cho Hưng Yên một tài sản lịch sử, văn hoá vô giá và cả dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa gắn với câu chuyện tình “Chử Đồng Tử - Tiên Dung”. Đây là những tài nguyên nhân văn đang được tỉnh Hưng Yên khai thác để phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá của ngành công nghiệp không khói.
Sức sống mới từ nền tảng truyền thống
Trải qua thời gian, những lớp trầm tích văn hóa vùng đất “Phố Hiến” xưa đang trở thành nguồn tài nguyên nhân văn, gồm các di sản văn hoá vật thể của tỉnh Hưng Yên đó là những công trình cổ kính, in đậm nét văn hoá như Đình Hiến, Đền Hiến, Chùa Linh Ứng, Đông Đô Quảng Hội, Chùa Chuông, những pho tượng Phật nghìn năm,...
Trong các di sản, chùa Hiến xây dựng từ thời nhà Trần, hiện còn lưu giữ lại một số pho tượng có từ thế kỷ XIX, các tấm bia với các niên đại: Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) và Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Trước sân chùa còn hai tấm bia đá cổ đặc biệt quý hiếm, lưu trữ nhiều tư liệu lịch sử nói lên quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa. Đây cũng là nơi duy nhất còn lại cây nhãn Tổ (có từ thế kỷ 16) xum xuê cành lá và cho quả mỗi năm.
Dấu ấn về cây nhãn tổ hơn 400 năm tuổi tại thành phố Hưng Yên.
Ở vùng đất này, giống nhãn lồng tiến vua được biết đến từ thế kỷ thứ XVI vẫn được người dân lưu truyền như một báu vật của quê hương. Trong cuốn Phủ biên tạp lục năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết về trái nhãn lồng Hưng Yên “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Từ xa xưa đến nay dòng sông Hồng, sông Luộc hàng năm bồi đắp cho Hưng Yên lượng phù sa mầu mỡ, kết tinh nên hương vị ngọt thơm cho trái nhãn lồng níu chân du khách mỗi mùa nhãn chín. Người dân xứ nhãn lồng luôn tự hào về loại sản vật quý này, không chỉ thơm ngon nức tiếng mà nhãn lồng Hưng Yên còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, để đến với các thị trường trong, ngoài nước.
Những rặng nhãn lồng xanh tốt, sai trĩu quả bên những con đường, trong mỗi khu vườn hay trải dài trên những con đường dẫn về xóm nhỏ, tất cả đã hình thành nên nét độc đáo của miền quê Hưng Yên. Hiện nay đã phát triển thành một vùng hàng hoá lớn, hàng năm cho sản lượng cả vài chục ngàn tấn, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Người dân xã Hồng Châu, thành phố Hưng Yên chăm sóc nhãn lồng trên đất nhãn tổ. |
Không chỉ có nhãn lồng nức tiếng, những năm gần đây, cam Hưng Yên đang được người tiêu dùng trong nước biết đến. Toàn tỉnh Hưng Yên hiện có tổng diện tích trồng cam gần 2.000 ha. Trong đó có hơn 1.000 ha đang được trồng theo quy trình VietGap và tập trung trồng nhiều ở các xã: Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Tam Đa (Phù Cừ), Đồng Thanh (Kim Động), Đông Tảo (Khoái Châu) và một số xã của huyện Văn Giang. Tháng 5/2020, sản phẩm cam Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Đây là bước đột phá trong tiếp cận thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm cam Hưng Yên, đồng thời mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế địa phương.
Nổi bật trong những làng nghề của tỉnh Hưng Yên ở thời kỳ mới là xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, khoảng 10 năm trước, từ một vùng đất thuần nông chủ yếu canh tác lúa, ngô. Nhưng, nhờ chính sách khuyến khích các hộ dân hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung để góp phần xây dựng nông thôn mới, đến nay làng Xuân Quan đã trở thành một vùng hoa trọng điểm của tỉnh Hưng Yên, một vựa hoa lớn ở miền Bắc được nhiều người biết đến.
Người dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chăm sóc hoa hồng.
Hiện có hơn 60% diện tích đất canh tác của xã là dành cho hoa và cây cảnh với 900 hộ làm nghề trồng hoa. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã mỗi năm gần 200 tỷ đồng. Mức thu nhập hàng năm sau khi trừ mọi chi phí của các hộ trồng hoa dao động ít nhất từ 300 triệu cho tới hàng tỷ đồng.
Các hộ trồng hoa có thu nhập cao ở xã Xuân Quan chủ yếu là những hộ đi đầu trong phong trào phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Phần lớn người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giảm cây lương thực thực phẩm sang trồng cây hoa, cây cảnh và cây công trình có giá trị kinh tế cao; diện tích chuyển đổi khoảng 130 ha, chiếm 2/3 diện tích đất nông nghiệp ở Xuân Quan. Trồng hoa, cây cảnh được xem là một hướng đi hiệu quả, đang mang lại những mùa xuân ấm no, sung túc với người dân xã Xuân Quan, ngay trên mảnh đất quê hương mình một cách bền vững.
Không gian văn hoá làng nghề tỉnh Hưng Yên có 62 làng nghề truyền thống như: Làng nghề làm Tương Bần, làng đúc đồng, làng nghề làm cày bừa, nghề làm hương xạ thôn Cao… Tất cả các di sản vật thể và phi vật thể đang trở thành nền tảng tinh thần văn hiến, nguồn tài nguyên nhân văn để Hưng Yên phát triển các loại hình văn hoá, các sản phẩm du lịch mới, cập nhật xu thế thời đại từ nền tảng truyền thống.
Link bài gốc
https://dangcongsan.vn/van-hoa-vung-sau-vung-xa-bien-gioi-hai-dao-vung-dan-toc-thieu-so/hung-yen-suc-song-moi-tu-nen-tang-truyen-thong-588426.html