Dương Tụ Quán, tự Khái Sinh, hiệu Mễ Dương, sinh năm 1901 trong một gia đình nhà Nho tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang. Ông là em ruột của Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm.
Như những trí thức đầu thế kỷ XX, thuở nhỏ Dương Tụ Quán học chữ Nho, sau ra học trường Pháp. Ông đậu bằng Thành chung năm 1921, và làm giáo học ở Hà Nội. Tám năm làm giáo học cũng là thời gian ông vào đời bằng những tác phẩm văn chương đã ra mắt các bạn đọc. Đó là những cuốn tiểu thuyết ông viết và dịch: Vì đâu nên nỗi (1925), Cùng bạn quần thoa (1926), Giời có mắt (1929); Vì ai nên nỗi (dịch – 1922), thói đời đơn bạc (dịch – 1926), Nước đời éo le (dịch- 1926).
Sau gần chục năm dạy học, năm 1929, ông bỏ nghề, chuyển sang làm báo trí và sản xuất. Ông lập Nhà in Đông Tây và ra mấy tờ báo Văn học tạp chí (1932 – 1933), Đông tây báo (1934 – 1935), những tờ này có xu hướng yêu nước nên bị thực dân Pháp cấm năm 1935.
Năm 1939, Dương Tụ Quán sáng lập tờ Ngày mới. Ông cũng là người sáng lập và kiêm quản lý Tạp trí Tri Tân chuyên nghiên cứu về văn học và sử học.
Có lẽ, những tập tiểu thuyết đầu tay không gây được những tiếng vang đáng kể, nên mặc dù chuyển hẳn sang nghề báo chí và xuất bản nhưng ông không trở lại với thể loại văn học này nữa. Ông chuyển sang viết sách giáo khoa và sách khảo cứu, trong đó có những cuốn sách giáo khoa ông soạn chung với Dương Quảng Hàm như Tập bài thi bằng sơ học yếu lược. Sách khảo cứu của ông gồm: Đào Duy Từ (1944), Dương Bá Trạc (1946), biên soạn hai loại sách này, tuy không có những đóng góp xuất sắc nhưng sách có nhiều giá trị tư liệu được tập hợp cống hiến cho người đời sau.
Sau kháng chiến chống thực dân Pháp, ông trở về Hà Nội dạy học (1955 – 1956) và làm công tác văn hóa xã hội ở khu phố Hoàn Kiếm. Ông mất ngày 27/3/1969. Dương Tụ Quán là cha của Nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý (1941 – 1969).
Tài liệu tham khảo:
- Lược truyện các tác gia Việt Nam.-H: KHXH, 1972.
- Từ điển Văn hóa Việt Nam.-H: Văn hóa, 1993.