Phạm Ngũ Lão sinh năm Ất Mão (1255) tại làng Phù Ủng (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đúng vào lúc vương triều Trần đang động viên sức dân cả nước chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông lần thứ 2. Ông cùng tuổi với Thượng tướng quân Trần Nhật Duật, hoàng tử thứ 6 của vua Trần Thái Tông, chú ruột vua Trần Nhân Tông, cũng là một danh tướng kiệt xuất của vương triều.
Thân vệ Đại tướng quân Phạm Ngũ Lão (ảnh minh họa).
Sinh thời, hai ông đều mến mộ và kính trọng đức độ, tài năng của nhau. Phạm Ngũ Lão thoạt tiên là gia tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Chính những ngày tháng được rèn cặp dưới trướng Quốc công Tiết chế đã giúp ông trưởng thành toàn diện, phát huy sở trường văn võ của mình để sau này trở thành vị tướng tài năng kiệt xuất. Việc xuất thân của ông đã trở thành huyền thoại dân gian. Chàng trai làng Phù Ủng - Đường Hào thuở nhỏ đã có chí khí khác thường, tính tình khẳng khái. Khi ở làng có người đỗ Tiến sĩ (Bùi Công Tiến) tổ chức ăn mừng, cả làng kéo đến, riêng Ngũ Lão thì không. Người mẹ hỏi con tại sao không đến, Ngũ Lão thưa với mẹ: chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm. Cũng thời gian ấy, Hưng Đạo Vương có việc quân qua vùng đất Phù Ủng. Phạm Ngũ Lão đang ngồi đan sọt ngoài đường mải nghĩ về cuốn sách Binh thư nên không biết quan quân trảy đến. Một người lính dẹp đường quát mãi, chàng trai đan sọt vẫn cứ ngồi yên. Người lính bèn dùng giáo xuyên vào đùi kẻ cản đường, vậy mà người đan sọt cứ như không.
Giáo xuyên vào đùi, Phạm Ngũ Lão vẫn nghĩ đến vận mệnh của đất nước trước họa xâm lăng (ảnh minh họa).
Hưng Đạo Vương lấy làm lạ, bèn cho quân dừng lại tới hỏi đầu đuôi sự việc. Ngũ Lão lúc bấy giờ mới nhìn lên, thấy vị tướng đã đứng tuổi, cằm vuông mắt sáng, chòm râu đen, nét mặt uy nghi, bèn đừng lên, vòng tay cúi đầu thi lễ trả lời: “ Thưa Đức ông, thần họ Phạm, tên Ngũ Lão quê ở Phù Ủng. Nhà nghèo, ruộng không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Thần mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Đức ông qua đây. Xin Đức ông xá tội”. Thấy chàng trai khôi ngô, khẩu khí đàng hoàng; Hưng Đạo Vương hỏi thêm chuyện thì thấy chàng trai khá thông thạo Kinh truyện và Binh thư. Qua đối đáp trôi chảy của chàng trai nông dân, Tướng công thầm hiểu đây sẽ là một vị lương tướng của triều đình. Ông sai lính lấy thuốc dịt vết thương rồi cho vời về triều. Sau khi về kinh đô, Hưng Đạo Vương tiến cử Phạm Ngũ Lão lên Triều đình với chức cai quản quân Cấm vệ. Vệ sĩ biết ông là nông dân thì không phục bèn xin tâu được cùng ông thử sức. Phạm Ngũ Lão bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin về quê 3 tháng. Về quê, ngày nào Phạm Ngũ Lão cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên, nhảy mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, ông trở về cấm thành, cùng các vệ sĩ so tài. Thấy ông tiến thoái như bay, tay đấm, chân đá thoăn thoắt, xem ra sức có thể địch nổi cả vài chục người. Từ đó, quân vệ sĩ bái phục ông. Như vậy, xuất thân làm quan của Phạm Ngũ Lão không qua khoa cử mà đi bằng con đường đặc biệt là lọt vào con mắt xanh của vị thánh tướng triều Trần đã cho thấy cách chiêu mộ hiền tài phong phú của vương triều bấy giờ để phát huy sức mạnh toàn dân chống ngoại xâm. Với tài năng bẩm sinh và chí hướng đúng đắn của mình, lại được đích thân Trần Quốc Tuấn rèn cặp, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc trong cả hai lần đánh tan giặc xâm lược Nguyên - Mông. Ông được vua Trần phong hàm Hạ phẩm Phụng ngự. Sau này, khi phò tá ba đời vua Trần, Phạm Ngũ Lão liên tiếp lập chiến công, nhiều lần đánh dẹp quân Ai Lao và quân Chiêm Thành cũng như các tù trưởng phản loạn nơi biên giới.
Phạm Ngũ Lão được Hưng Đạo Đại Vương ưu ái gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong vương triều Trần. Để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi. Chỉ riêng điều đó đã thấy sự nhìn xa trông rộng, phát hiện và trọng dụng hiền tài của Hưng Đạo Vương. Điều đó cũng khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của triều Trần trong thuật dùng người hiền xuất thân từ tầng lớp bình dân để phát huy sĩ khí cả nước trong trị quốc và đánh giặc.
Về các chiến công của Phạm Ngũ Lão, theo sử chép thì chủ yếu là trong các lần đánh dẹp Ai Lao và Chiêm Thành, nhưng thực ra, tài năng quân sự của ông đã được thể hiện và khẳng định ngay từ khi tham gia cuộc trường chinh đánh quân Nguyên - Mông lần thứ hai. Tháng 9 năm 1284, để đối phó với tình hình căng thẳng từ sức ép chiêu hàng của triều đình nhà Nguyên và sự lung lay giữa đánh hay hòa của nội bộ triều Trần, Trần Quốc Tuấn cho tổng duyệt các quân tại Đông Bộ Đầu để nâng cao sĩ khí toàn quân, củng cố tinh thần chiến đấu của quan, quân trong triều Trần. Trong cuộc đại duyệt ấy, Trần Quốc Tuấn đã cắt cử bố phòng và điều những tướng tài giỏi nhất lên các mặt trận quân sự quan trọng, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách bố trí quân đội bảo vệ vùng biên giới Đông Bắc. Thượng tướng quân Trần Nhật Duật bảo vệ vùng biên giới Tây Bắc cho thấy sự tin cậy tuyệt đối của Trần Quốc Tuấn cũng như các vua Trần vào vị tướng trẻ không cùng dòng tộc Phạm Ngũ Lão (khi ấy ông mới 30 tuổi). Bố trí Phạm Ngũ Lão phòng thủ trên mặt trận Đông Bắc, nơi 50 vạn quân do Thoát Hoan dẫn đầu chuẩn bị đánh sang là một tính toán có tính chiến lược cao, xuất sắc của Trần Quốc Tuấn. Bởi nếu là một vị tướng tôn thất khác, trước thanh thế cực lớn của quân xâm lược sẽ rất dễ dao động.
Phạm Ngũ Lão truy sát giặc Thoát Hoan (ảnh minh họa).
Trên thực tế, những ngày đầu chiến đấu chống lại đội quân xâm lược hùng mạnh, quân ta thất lợi và liên tiếp phải lui binh chiến thuật, bảo toàn lực lượng chờ thời cơ phản kích. Nếu không phải là một tướng giỏi, am tường chiến lược chiến tranh lâu dài (một chủ trương hết sức đúng đắn của Trần Quốc Tuấn) sẽ không thể thực hiện được và khi ấy sự thất bại của cả một vương triều là không thể tránh khỏi (thực tế là có tôn thất nhà Trần thời điểm này đã đầu hàng giặc như Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc).
Khi nhận trọng trách phòng thủ hướng chính diện mà tập đoàn quân Thoát Hoan tiến đánh ồ ạt như triều dâng thác đổ, Phạm Ngũ Lão đã bố phòng ở các cửa ải chặn giặc, cùng dân binh đánh những trận đầu tiên khi chúng xâm phạm vào đất đai Tổ quốc, khôn khéo từng bước lui binh theo ý đồ chiến lược đã định. Khi được Trần Hưng Đạo tin tưởng, Phạm Ngũ Lão đã đem hết sở học và tài năng quân sự của mình trong chiến cuộc lui binh thần diệu sau khi hết sức quả cảm đánh giặc tại các cửa ải Nội Bàng, Chi Lăng... và theo kế sách lui binh thành công về Vạn Kiếp.Trong cuộc lui binh chiến lược có ý nghĩa sống còn này, Phạm Ngũ Lão đã bộc lộ là một tướng tài kiệt xuất. Khi chiến sự tiếp tục bất lợi, Trần Quốc Tuấn phải phò hai vua bỏ Thăng Long. Cũng lúc ấy, đạo quân của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh ra phía Bắc, phá vỡ ải Nghệ An đang tràn ra Thanh Hóa khiến cục diện chiến tranh thập phần nguy ngập với quân ta. Lúc đó, theo mệnh lệnh của Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão lập tức đi tiên phong trong đội quân của Thượng tướng Trần Quang Khải tác chiến trên mặt trận mới chống nhau với nguyên soái Toa Đô, một tướng tài lão luyện của quân Nguyên - Mông.
Ngoài sự cầm quân tài giỏi của Trần Quang Khải trên mặt trận này, phải nói đến công lao xuất sắc của Phạm Ngũ Lão. Khi ấy, danh tiếng tướng quân Phạm Ngũ Lão khiến giặc luôn khiếp sợ, uy danh của ông đã vang xa sang cả phía địch quân. Trong những tháng ngày tác chiến gian khổ với đại quân Toa Đô, kinh nghiệm chiến trường cùng với sự dày dạn chiến đấu của binh sĩ đã cho Phạm Ngũ Lão một niềm tin tất thắng. Cục diện chiến tranh khi ấy đã ở vào thế giằng co và quân địch sau thế thượng phong ban đầu đã sinh kiêu ngạo, bê trễ, khinh địch - cái lẽ tồn vong của mọi cuộc chiến tranh.
Thời cơ tổng phản công đã tới, sau chiến thắng Hàm Tử Quan đập tan đội hải thuyền hùng hậu của nguyên soái Toa Đô, Trần Quốc Tuấn quyết định tập kích Chương Dương. Phạm Ngũ Lão lĩnh ấn tiên phong dưới sự chỉ huy trực tiếp của thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải sử dụng đường thủy tiến đánh Chương Dương, nơi tập trung phần lớn thủy quân và kỵ binh địch. Trận đánh đã diễn ra hết sức khốc liệt, Phạm Ngũ Lão dẫn đầu các tráng sĩ cảm tử trên những chiến thuyền giấu sẵn chất nổ và đồ dẫn lửa xông thẳng vào những hạm thuyền của Nguyên - Mông mặc đại bác bắn như mưa, khói lửa mù mịt trong tiếng Sát Thát vang lên ghê rợn. Đội cảm tử áp sát đốt thuyền giặc, những tiếng nổ kinh thiên động địa, lửa cháy, đầu rơi, máu chảy, cả một biển lửa bùng lên. Trong ánh lửa, Phạm tướng quân cùng những dũng sĩ xông lên thuyền địch với một thế mạnh không gì ngăn nổi. Sau trận Chương Dương, Trần Quốc Tuấn biết Thoát Hoan tất phải bỏ kinh thành tháo chạy, đã cắt cử Phạm Ngũ Lão, dẫn quân mai phục bên cánh rừng cửa ải Nội Bàng, truy kích tàn quân của Thoát Hoan. Tàn quân Nguyên - Mông lại một phen kinh hồn dưới tài bố trận của Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sĩ. Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Theo tấm gương của Hưng Đạo Đại Vương, ông luôn yêu lính như con, đồng cam cộng khổ, trên chiến trường thì cực kỳ dũng cảm, khi rèn quân lại hết sức nghiêm minh, tự mình làm gương, biết phát huy các sở trường, địa hình, thời tiết để giành chiến thắng. Sau cuộc chiến chông quân Nguyên- Mông lần thứ 3, Phạm Ngũ lão liên tục được vua Trần cất nhắc, trọng dụng vào nhiều chức quan lớn như: Quản lĩnh quân Thánh Dực của triều đình (1290); Kim Ngô Hữu vệ Đại tướng quân(1298); Thân vệ Đại tướng quân (1301); Quan Nội Hầu (1318). Ông cũng được ban nhiều ân điển lớn của Vua như: Kim Phù, Vân Phù, Quy Phù, Phi Ngư Phù.
Đền Phù Ủng- Ân Thi, Hưng Yên nơi thờ Danh tướng Phạm Ngũ Lão.
Tháng 11 năm 1320, Phạm Ngũ Lão qua đời ở tuổi 65. Bàn về ông, Lê Quý Đôn từng nói: "Phạm Ngũ Lão là người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như kẻ sĩ quân tử đời Tây Hán, thật không phải người tầm thường có thể theo kịp được. Bởi vì nhà Trần đãi ngộ sĩ phu rộng rãi mà không bó buộc, hòa nhã mà có lễ độ, cho nên nhân vật trong một thời có khí tự lập, hào hiệp cao siêu, vững vàng vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ trong sử sách, trên không hổ với trời, dưới không thẹn dưới đất". Sử gia Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng: “Tôi từng thấy các danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài hịch, Phạm Điện súy(tức Phạm Ngũ Lão) thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, nào phải riêng nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hế đánh là thắng, hễ tấn công là chiếm được, người xưa cũng không ai có thể qua nổi các ông” (Bản kỷ, quyển 6, tờ 38 a-b). Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều Hiến chương loại chí, phần ghi chép và bàn về các vị tướng tài giỏi đã tôn vinh 16 vị tướng từ thời Lý đến thời Lê sơ, riêng triều Trần có 4 người là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư và Phạm Ngũ Lão. Điều đó cho thấy ngay cả sử quan thời phong kiến luôn bảo vệ tôn thất nhiều khi thiên lệch nhưng cũng phải khách quan nhìn nhận tài năng quân sự của ông, xếp ông vào hàng danh tướng bậc nhất lúc bấy giờ. Điều này đã khẳng định vai trò, vị trí của Phạm Ngũ Lão trong các võ công hiển hách của vương triều Trần. Tài năng, đức độ, công lao và uy tín của Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, một vị tướng xuất thân nông dân đã đi vào lịch sử và được nhân dân các thế hệ, nhất là quê hương ông tôn thờ mà đỉnh cao là lễ hội đền Phù Ủng hằng năm tưởng nhớ công đức của ông. Cũng nhiều nơi có thờ ông, đặc biệt trong các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương thường có cả tượng thờ ông. Tên của ông còn được đặt cho một số trường học và tên phố tại nhiều địa phương trong cả nước. Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay đang tọa lạc tại số 1 phố Phạm Ngũ Lão- Hà Nội.
Tại đền Phù Ủng ở Thủ đô Hà Nội, nơi vọng thờ Phạm Ngũ Lão còn khắc đôi câu đối cổ ca ngợi tài đức và sự nghiệp kỳ vĩ của ông:
Dịch nghĩa:
Minh Vượng (tổng hợp)
TLTK:
- Danh nhân Việt
- Danh tướng Việt Nam- tập 1- Nguyễn Khắc Thuần- NXB Giáo dục; 1996