Cầu Mái trên Dốc đá năm xưa |
Hơn 30 km đường đê được chỉnh nắn mở rộng, trải bê tông nhựa kết hợp mục đích giao thông và an toàn đê điều. Đây là công trình rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên, nhất là vùng phía đông nam tỉnh Hưng Yên; các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Ân Thi không còn là vùng sâu vùng xa của tỉnh và sẽ được kết nối với các tỉnh trong khu vực và thủ đô Hà Nội.
Bằng việc mở một cửa khẩu qua đê sông Hồng, nối thông và kéo dài đường Điện Biên III chạy thẳng xuống xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), đồng thời mở rộng con đường vòng cung xuống Phố Hiến cổ; các nhà thiết kế giao thông đã tạo ra một điểm nhấn rất có ý nghĩa cả về quy hoạch thành phố, mở rộng vùng lõi thành phố Hưng Yên, cũng như vùng văn hóa Phố Hiến.
Điểm sáng tạo và ý tưởng đáng được ghi nhận là các nhà thiết kế đã cho xây dựng một cầu có mái che tạo cảnh quan và thẩm mỹ như một điểm nhấn đô thị. Cũng là một công trình hiếm hoi của thành phố có được ý tưởng về thẩm mỹ kiến trúc và tư duy văn hóa.
Về kiến trúc thì còn có những ý kiến khác nhau, xin dành cho các nhà chuyên môn. Bài báo này chỉ đặt ra 2 vấn đề nhỏ để mọi người cùng tham khảo.
Thứ nhất, vị trí của cửa khẩu này từ xa xưa đã được gọi là Dốc Đá, điểm tiếp xúc sông nước, thuyền bè cập bến (ngược lên phía bắc, điểm đầu của đường Nguyễn Văn Linh là Dốc Suối, nơi có nhiều hồ sen trắng, những năm 1980, thị xã Hưng Yên lấp làm khu dân cư).
Khi chúng tôi làm cuốn sách PHỐ HIẾN, nghiên cứu các tài liệu lịch sử về Quang Trung Nguyễn Huệ: “Sau khi giải phóng vùng Thuận Hóa, Nguyễn Huệ đưa quân tiến thẳng ra Bắc Hà giải phóng Thăng Long… Nguyễn Huệ sử dụng quân thủy bộ, với hơn 1.000 thuyền chiến có cả đội voi chiến. Chỉ đánh trong một đêm đến sáng ngày 19 tháng 7 năm 1786, quân chúa Trịnh hoàn toàn bị tan rã, quân Nguyễn Huệ rầm rộ tiến vào Phố Hiến. Và ngay lập tức ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ cho đại quân tiến vào Thăng Long. Nếu kể từ ngày 11 tháng 7 năm 1786 đánh Vị Hoàng, Phố Hiến đến lúc vào Thăng Long chỉ mất 10 ngày” (Theo Trần Trọng Tân).
Vị trí đó chính là Dốc Đá, năm xưa đã có trận giao tranh của quân Quang Trung khi đến Phố Hiến. Khu đất của Trường mầm non 19-5 trước khi tái lập tỉnh vẫn là một cái đầm sâu, dân thả rau muống bè; đầm có cầu gọi là Cầu Tượng (Tắm voi), liên quan đến Quang Trung. Vậy nên chăng, nhân làm công trình, ta dựng một cái bia hoặc biển chỉ dẫn về lịch sử, văn hóa giúp bảo tồn di tích và gợi mở du lịch.
Thứ hai, ta đã có sáng kiến làm một cây cầu, thì cũng nên đặt tên cho cây cầu đó. Khi viết bài này, tôi đã tìm đọc các bài báo về Lễ khánh thành Dự án thì không tìm thấy tên của cây cầu là gì. Và các bài báo cũng chưa tập trung dành để nói về sức lan tỏa và hiệu ứng to lớn của dự án này.
Vì vậy, tôi có ý đề xuất đặt tên cho cây cầu. Trên mạng xã hội Facebook, sau khi khánh thành đã có người gọi là cầu ngói. Tôi nghĩ không phù hợp, công trình này được xây dựng bằng chất liệu bê tông kết hợp gỗ, nhưng mái thì bê tông dán ngói. Trong nước có những cây cầu như cầu mái ngói ở Hội An, nhưng có chức năng tôn giáo nên gọi là Cầu Chùa Hội An; ở Nam Định có cầu mái ngói Hải Hậu, cầu mái ngói Nam Trực, cầu mái lá Trực Ninh… Những cây cầu này đều có điểm chung là bắc qua dòng sông, còn mái chất liệu gì thì đặt tên cho cầu như thế (cầu ngói, cầu mái lá + địa danh).
Từ những lý do trên, tôi nghĩ những cái tên CẦU MÁI PHỐ HIẾN, CẦU MÁI VÒM PHỐ HIẾN, CẦU CỬA NAM PHỐ HIẾN, CẦU CỬA KHẨU PHỐ HIẾN… đều là những cái tên tham khảo. Trong đó, hai tên sau chủ yếu chỉ địa danh, hai tên đầu phù hợp hơn cả, CẦU MÁI VÒM PHỐ HIẾN, CẦU MÁI PHỐ HIẾN đều được, nó vừa đảm bảo tính khác biệt, tính nghệ thuật, vừa gọi tên đúng với đặc điểm của cây cầu.
Chiều quê hương tôi |
Trao đổi với ông Hồ Trọng Khải, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Hưng Yên, người từ những năm 2010 đã chủ trì và tham mưu dự án này, chúng tôi đồng quan điểm và muốn chia sẻ với mọi người.
Ở phía nam thành phố Hưng Yên, một cây cầu có mái, khá đẹp. Nằm chính tâm của đường giao vòng cung Phố Hiến và trục chính Điện Biên; giữa Hồ Bán Nguyệt và khu Phố cổ, nó chính là một điểm nhấn. Trên cao, cầu là điểm nối con đường đê tả sông Hồng và đê tả sông Luộc, chạy dọc tỉnh Hưng Yên. Nay ta đặt cho nó một cái tên, biết đâu, qua thời gian nó có thể trở thành địa chỉ của du lịch Phố Hiến.
Link bài gốc
http://www.baohungyen.vn/dat-va-nguoi-xu-nhan/202010/cay-cau-tren-duong-de-ta-song-luoc-8092417/