Nhãn tiến vua đua ra thế giới

Từ bao đời nay, cây nhãn đã gắn liền với tên tuổi vùng đất này, là loại đặc sản nổi tiếng mang danh "tiến vua" không nơi nào sánh được.
Nhãn tiến vua Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Vang danh "Vương giả chi quả"

Xuôi theo triền đê tả sông Hồng về phố Hiến, những vườn nhãn xum xuê nở hoa vàng hoe tắm nắng xuân, dập dờn từng đàn ong hút mật. Đến tiết thu yên bình, những chùm quả nâu vàng sai trĩu như mời gọi.

Phù sa sông Hồng, sông Luộc đã bồi đắp cho Hưng Yên dải đất màu mỡ, kết tinh nên hương vị ngọt thơm cho những trái nhãn lồng níu chân du khách, để mỗi mùa quả chín lại nhớ tìm về.

Nhãn lồng phố Hiến được biết tới từ khoảng thế kỷ 16. Tại chùa Hiến tọa lạc giữa phố Hiến hiện vẫn còn cây nhãn tổ hơn 400 năm tuổi quanh năm tươi tốt, năm nào cũng sai quả, vị ngọt thơm, mã đẹp, xưa là sản vật tiến vua và được coi là "vương giả chi quả". Cây nhãn cũng là bảo tàng sống về giống nhãn lồng Hưng Yên được Lê Quý Đôn ghi vào sách Phủ biên tạp lục năm 1776.

Đất Hưng Yên có nhiều giống nhãn khác nhau. Trong dân gian, người dân thường dựa vào màu sắc, hương vị của quả nhãn mà đặt tên các loại như: nhãn thóc, nhãn cùi, nhãn nước, nhãn đường phèn…

Riêng nhãn đường phèn "kiêu hãnh" xếp ngôi đầu bảng về chất lượng bởi cùi giòn, vị ngọt sắc, hương thơm khó quên. Hạt nhãn nhỏ và dóc cùi, sắc đen ánh nâu đỏ.

Nâng niu chùm nhãn đường phèn quả nhỏ nhắn mà bóc vỏ, lộ lớp cùi dày ráo nước ánh vàng, vân múi căng mọng lồng vào nhau ở đáy quả, đưa lên miệng thấy mềm mà giòn, vị ngọt sắc mà thanh, thơm ngon tuyệt diệu.

Như cảm xúc của nhà bác học Lê Quý Đôn thời Hậu Lê thế kỷ 18 sau khi được vua ban thưởng nhãn: "Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước tránh trời cho". Du khách về đất nhãn mùa quả chín ăn một lần sẽ ấn tượng mãi về thứ "trái ngọt nhớ lâu" giữa đất trời phố Hiến.

Từ những chùm quả chín giòn ngọt, cùi nhãn còn được chế biến thành long nhãn có màu hổ phách khô dẻo, mang vị ngọt đậm. Long nhãn là thực phẩm bổ dưỡng được người Hưng Yên dùng làm quà biếu sang trọng, vừa là vị thuốc quý được coi là thần dược trong đông y với nhiều công dụng chữa các bệnh về thần kinh, mất ngủ, bổ huyết, đẹp da, bổ thận, dưỡng khí...
Thu hoạch nhãn tại xã Hồng Nam, Thành phố Hưng Yên, Tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong lần hội thảo về bảo tồn giống nhãn lồng đặc sản Hưng Yên năm 2005, ông Caclo - chuyên gia người Ý đã phân tích: Giống bản địa như nhãn lồng Hưng Yên là vô cùng quý giá, vì nó không chỉ mang tính địa phương truyền thống, thể hiện bản sắc dân tộc mà còn mang tính toàn cầu.

Hơn nữa, giống cây này còn có thế mạnh là khả năng thích ứng với ngoại cảnh, thổ nhưỡng, không nhiễm sâu bệnh, cho quả sạch an toàn. Đây là loại cây quý có giá trị đến muôn đời sau cần được lưu giữ và phát triển.

Bảo tồn sản vật quý

Hưng Yên hiện có hơn 4.500 ha nhãn đang cho thu hoạch, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi và Phù Cừ.

Cùng với các giống nhãn truyền thống, người làm vườn đã lai tạo phát triển các giống nhãn mới như nhãn chiết Hương Chi, nhãn ghép, nhãn muộn Miền Thiết, T1, T6, siêu ngọt...

Các giống này cho quả to tròn, vỏ đẹp, cùi dày, ngọt đậm, cho năng suất giá trị kinh tế cao, mỗi héc ta cho thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng cho biết, nhãn lồng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2006. Để lưu giữ nguồn giống quý, từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, UBND Hưng Yên đã coi trọng việc bình tuyển cây nhãn đầu dòng, triển khai dự án "Bảo tồn giống nhãn đặc sản và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm vùng chuyên canh nhãn".

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyển chọn được gần 400 cây đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, nhằm bảo tồn để nhân giống, xây dựng chỉ dẫn địa lý đưa loài cây đặc sản này vào vị trí trên bản đồ sản vật quý của Việt Nam.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tích cực phổ biến kỹ thuật, hướng dẫn nông dân thâm canh theo quy trình VietGAP, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích và các hóa chất độc hại.

Mỗi cây nhãn được chăm sóc theo phương pháp khoa học, bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc vi sinh, được chiếu xạ chống ký sinh trùng.

"Quy trình có rắc rối hơn so với người nông dân nhưng bù lại chất lượng quả được nâng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh và thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên được biết đến rộng rãi" - ông Đặng Văn Xây, chủ vườn nhãn ở xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên chia sẻ.
Thu hoạch nhãn tại xã Hồng Nam

Tại các vùng trọng điểm nhãn Hưng Yên hiện có 2 nơi sản xuất nhãn xuất khẩu đạt chuẩn theo quy trình VietGAP rộng hơn 70 ha, với hơn 200 hộ tham gia tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (thành phố Hưng Yên).

Tại đây có hơn 20 ha đã được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ từ năm 2015.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho hay, toàn tỉnh hiện đang mở rộng thêm 2.000 ha nhãn VietGAP và nhân rộng diện tích thâm canh theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Với việc lựa chọn và giám sát khắt khe tại các vùng chuyên canh, nhãn Hưng Yên vừa giữ được hương vị truyền thống vừa đảm bảo chất lượng sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường khó tính trên thế giới.

Vươn ra thế giới

Cùng với việc bảo tồn giống nhãn quý, người Hưng Yên coi trọng phát triển cây nhãn thành cây chủ lực, mang lại nguồn thu lớn. Từ năm 1997 đến nay tỉnh đã tích cực tìm đầu ra để cây nhãn lồng có cơ hội vươn dài, trải rộng thị trường trong nước và xuất khâu.

Hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm với nhiều chuỗi sự kiện như: Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên; hội nghị xúc tiến thương mại nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên; Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; Phiên chợ nhãn tại Khu đô thị Ecopark... để người tiêu dùng cả nước được tiếp cận với nhãn lồng chính hiệu.

Theo đó, nhãn lồng Hưng Yên được phân phối ở nhiều trung tâm, siêu thị lớn như: BigC, Coopmart, Hapro.... Riêng Big C đã đưa nhãn quả tươi vào toàn hệ thống siêu thị trong cả nước.

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã tạo nên mối liên kết nông dân với doanh nghiệp chặt chẽ, bền vững, có sự bắt tay “4 nhà”, nối liền sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, hình thành việc hợp tác kết nối giao thương giữa các trung tâm, các hệ thống siêu thị ở trong nước, để sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên có sức lan tỏa rộng rãi.

Về xuất khẩu, Hưng Yên vẫn đang duy trì đưa nhãn quả tươi và chế biến long nhãn sang thị trường Trung Quốc. Trên hành trình giao thương với thế giới, nhãn lồng Hưng Yên được kết nối quảng bá thâm nhập mạnh mẽ hơn vào các thị trường đã giới thiệu thành công như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Degitech đăng ký thu mua nhãn Hưng Yên xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Á... Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op bao tiêu nhãn Hưng Yên, đưa vào Lễ hội trái cây trong chương trình Tự hào hàng Việt.

Nhãn lồng Hưng Yên từ năm 2018 cũng được hãng Hàng không Vietnam Airlines đưa vào thực đơn các bữa ăn trên khoang Thương gia phục vụ các chuyến bay sang châu Á, châu Úc và châu Âu.

"Mỗi trái nhãn tuy nhỏ, nhưng đã gửi gắm đến bạn bè trên khắp thế giới những hương vị tinh túy của thiên nhiên một cách bản địa nhất, Việt Nam nhất" - ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ.

Từ danh hiệu "tiến vua" xưa, nhãn lồng Hưng Yên giờ đang tiến xa vươn ra thị trường thế giới, kiêu hãnh ghi dấu ấn về một sản vật lừng danh, mang đậm hương vị và hồn cốt của đất Việt./.

Mai Ngoan/TTXVN